Tại Huế, chiều 31/3, trên địa bàn xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra trận lốc xoáy cường độ mạnh khiến 27 nhà dân bị tốc mái, 7 chiếc thuyền và ghe đánh cá bị chìm, 4 người dân bị thương.
Ngay sau khi xảy ra lốc, chính quyền xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc đã khẩn trương huy động lực lượng xung kích hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra.
Trên địa bàn xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra trận lốc xoáy cường độ mạnh khiến 27 nhà dân bị tốc mái, 7 chiếc thuyền và ghe đánh cá bị chìm, 4 người dân bị thương.
Ngay sau khi xảy ra lốc, chính quyền xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc đã khẩn trương huy động lực lượng xung kích hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra.
Mưa lớn trong ngày 31/3 đã gây ngập úng, ngập lụt cục bộ cho một số tuyến đường nội thị thuộc thị trấn Khe Tre, xã Hương Phú, huyện Nam Đông có nơi ngập gần nửa mét. UBND huyện Nam Đông đã điều động phương tiện khơi thông cống rãnh, hiện tình hình ngập úng đã được xử lý. Một số trường học tại thị xã Hương Thủy nước ngập sân trường.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là đợt mưa có cường độ lớn, lũ trái mùa, nên người dân phải chủ động tránh xa khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương huy động lực lượng xung kích phối hợp với người dân khắc phục bước đầu các nhà tốc mái cũng như các ghe bị chìm để ổn định cuộc sống.
Để đối phó với đợt mưa lũ này, các địa phương ở vùng ven biển cần đề phòng, đồng thời có hướng dẫn tàu thuyền khai thác, sản xuất cho phù hợp. Các vùng thấp trũng, các khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, có hướng dẫn người dân đảm bảo phòng tránh.
Còn tại tỉnh Phú Yên, mưa và gió lớn bất thường từ ngày 30-31/3 đã khiến các khu vực ven biển thiệt hại nặng về người và tài sản. Tại huyện Tuy An, đến 17 giờ ngày 31/3 vẫn còn 2 người mất tích là cháu Trần Văn Thiện (sinh năm 2008, xã An Hòa Hải) và Nguyễn Sam (sinh năm 1982, xã An Hòa Hải) bị cuốn trôi khi ở trên thuyền để ra khu vực nuôi tôm hùm. Đối với nuôi trồng thủy sản, hơn 2.400 lồng ươm tôm hùm giống bị cuốn trôi.
Người dân địa phương vẫn đang nỗ lực trục vớt tàu thuyền bị đánh chìm vào bờ để sửa chữa và vớt những con tôm hùm giống còn sót lại để tiếp tục ươm nuôi. Việc sóng to, gió lớn xảy ra vào thời điểm này và gây thiệt hại nặng nề là điều hiếm gặp.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đã có 12 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 2 nhà sập hoàn toàn; 8 nhà bị tốc mái, hư hại; 1 Trường tiểu học tại huyện Đồng Xuân bị tốc mái hư hỏng khoảng 50%.
Thống kê chưa đầy đủ đã có 91 tàu, thuyền bị chìm, trong đó huyện Tuy An: 33 chiếc; thị xã Sông Cầu: 23 chiếc; thành phố Tuy Hòa: 30 chiếc và thị xã Đông Hòa: 5 chiếc. Đối với lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 có 12.434ha trong giai đoạn trổ bông, chín sáp và chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước và ngã đổ.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, liên tục theo dõi chặt chẽ các bản tin về áp thấp trên biển, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất để chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Tỉnh Khánh Hòa, ngày 31/3, do ảnh hưởng thời tiết cực đoạn, khu vực ven biển tỉnh Khánh Hòa xuất hiện mưa to, gió lớn và sóng cao, khiến nhiều tàu thuyền bị đánh chìm; đèo Cả bị sạt lở làm đường sắt bị ách tắc.
Do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, khu vực ven biển tỉnh Khánh Hòa xuất hiện mưa to, gió lớn và sóng cao, khiến nhiều tàu thuyền bị đánh chìm. Khu vực đèo Cả bị sạt lở làm đường sắt bị ách tắc nhiều giờ đồng hồ.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, tính đến 12 giờ ngày 31/3, mưa lớn trên địa bàn tỉnh không gây thiệt hại về người. Riêng huyện Vạn Ninh có 25 tàu cá của người dân bị sóng đánh hư hỏng nặng, trong đó xã Đại Lãnh 11 tàu và xã Vạn Long 14 tàu.
Các cơ quan chức năng đang tổ chức hỗ trợ người dân cứu kéo tàu. Do tàu bị hư hỏng nặng, cơ quan chức năng và người dân chủ yếu trục vớt máy móc, ngư lưới cụ; chờ sóng yên biển lặng mới tiếp tục thực hiện cứu vớt xác tàu.
Cũng do mưa lớn, khu vực đèo Cả, đoạn Km 1227+600 khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh bị hàng trăm mét khối đất đá từ trên núi đổ ập xuống chôn vùi cả đoạn đường sắt, khiến việc lưu thông bị ách tắc hoàn toàn.
Ngành Đường sắt đã huy động khẩn cấp lực lượng đến khắc phục sự cố. Khu vực sạt lở có địa hình phức tạp nên việc khắc phục mất nhiều thời gian. Đoàn tàu SE7 phải dừng từ lúc 8 giờ đến 13 giờ 10 phút mới tiếp tục chạy.
Hà Lan
Nguồn: Kinh tế Môi trường