Tính chung, có 330 chủ rừng đã xây dựng phương án quản lý rừng bảo vệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích trên 3,9 triệu ha; có 387 nghìn ha được cấp chứng chỉ rừng tại 31 địa phương.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từng bước đi vào cuộc sống, ngày càng nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của xã hội. Hằng năm, chính sách này huy động được nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng từ xã hội, góp phần hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, sống phụ thuộc rừng.
Mười tháng đầu năm, cả nước thu được 3.200 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Ngoài ra, nguồn thu này còn góp phần bảo vệ môi trường bền lâu, cải thiện đáng kể chất lượng hệ sinh thái thông qua trồng mới, phục hồi rừng, tăng cường chức năng phòng hộ, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, thực hiện điều tra khảo sát nhu cầu đào tạo về quản lý, bảo vệ rừng hằng năm và lập kế hoạch đào tạo hợp lý; ban hành hướng dẫn, quy định chi tiết về lĩnh vực này theo hướng phù hợp thực tế, tinh giản trình tự thủ tục; cân đối bố trí kinh phí bảo vệ rừng đối với từng loại khu vực; tăng cường biện pháp yêu cầu các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng nộp đúng, nộp đủ; khuyến khích các chủ rừng thực hiện quản lý, bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư.