Mới đây, cơ quan Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ công bố sự tuyệt chủng của 22 loài động vật và một loài thực vật. Cụ thể, đó là 11 loài chim, 8 loài trai nước ngọt, 2 loài cá và một loài dơi được đưa ra khỏi danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Các nhà khoa học của Chính phủ Mỹ trước đó đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm 23 loài chim, cá và các loài động, thực vật khác nằm trong danh sách tuyệt chủng đã được công bố, đồng thời cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu và môi trường sống bị thu hẹp do nhiều áp lực khác nhau có thể khiến tình trạng tuyệt chủng này trở nên ngày càng phổ biến hơn.
Theo bà Bridget Fahey, người giám sát việc phân loài cho Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ, mỗi loài trong số 23 loài thuộc danh sách đã đại diện cho các di sản thiên nhiên bị mất đi vĩnh viễn của Mỹ: "Và đây là một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng, tuyệt chủng là hậu quả của sự thay đổi môi trường do con người gây ra".
Chim chích chòe than Bachman đã không được nhìn thấy kể từ năm 1962 ở Mỹ. (Ảnh: AP)
Chim gõ kiến mỏ ngà là loài chim gõ kiến lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác rừng già ở miền Nam nước này đã phá hủy môi trường sống của chúng. Lần nhìn thấy chim gõ kiến mỏ ngà cuối cùng được xác nhận là vào năm 1944 ở khu vực Đông Bắc bang Louisiana.
Vỏ của loài trai hoa mai có củ. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, các chuyên gia tại Trung tâm Đa dạng Sinh học, một tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận, đã chỉ trích Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ, lưu ý họ "không vội vàng trong việc bảo vệ các loài vật".
“Luật Các loài nguy cấp là công cụ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để chấm dứt sự tuyệt chủng, nhưng thực tế đáng buồn là đối với hầu hết các loài, việc liệt kê mất quá nhiều thời gian. Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ đang rất cần cải cách để họat động bảo tồn tránh việc tuyệt chủng. Chúng ta không thể cho phép sự chậm trễ quan liêu dẫn đến sự tuyệt chủng các loài mới" - Tierra Curry, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đa dạng Sinh học nói và được The Independent trích dẫn.