Theo các chuyên gia, hình ảnh những chiếc sà lan chạy không tải dọc theo sông Mississippi có thể là dấu hiệu của những thảm họa kinh tế trong tương lai nếu điều kiện hạn hán ở Trung Tây Hoa Kỳ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.
Mực nước thấp hơn bình thường trên một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất ở giữa lục địa Hoa Kỳ đang khiến các tàu thuyền như vận chuyển container, thuyền chở hàng và thậm chí cả các tuyến du lịch bị đình trệ trong bùn và cát trước đây được bao phủ bởi một con sông rộng lớn.
Theo tờ ABC News , các chuyên gia cho rằng: Trong khi các sà lan bị mắc kẹt trên các bãi cát không phải là điều bất thường vào thời điểm này trong năm, mực nước ở nửa dưới của sông Mississippi đang gần mức kỷ lục ở một số khu vực gần và phía nam của biên giới Tennessee-Arkansas, theo dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Tuần trước, có gần 150 tàu và hơn 2.250 sà lan xếp hàng để trôi qua sông Mississippi nơi xảy ra tắc nghẽn. Phần lớn khu vực xung quanh sông Mississippi đang trải qua điều kiện khô hạn bất thường và hạn hán nghiêm trọng, theo Cơ quan Giám sát Hạn hán Hoa Kỳ.
Lực lượng Công binh Lục quân Mỹ tuần qua đã nạo vét để đào sâu lòng sông, đưa sà lan lưu thông trở lại. Nhưng việc đóng cửa đã gây ra trì hoãn lớn trên chuỗi cung ứng vốn đang gặp khó khăn.
Ngay cả khi tuyến sông được thông, các sà lan di chuyển cũng chỉ được chở lượng hàng hoá ít hơn 20% so với bình thường để không chìm quá sâu dưới nước, tránh tình trạng mắc cạn và thay vì một tàu kéo từ 30-40 sà lan cùng lúc như bình thường, số lượng sà lan phải giảm xuống 25 chiếc trong mỗi chuyến vì con sông bị thu hẹp do khô cạn.
Mike Seyfert, CEO của Hiệp hội ngũ cốc và Thức ăn chăn nuôi Quốc gia cho biết, sự kết hợp của số lượng sà lan giảm và khối lượng hàng hóa trên mỗi sà lan ít đi đã làm giảm khoảng 50% sức tải của các sà lan. Điều đó đã đẩy mức phí mà những người giao hàng phải trả tăng cao.
Sà lan đường sông vẫn là phương thức vận chuyển hàng hoá chính trong nước Mỹ, đặc biệt là với các sản phẩm nông nghiệp. Theo số liệu từ Cục Thống kê Giao thông Vận tải, khoảng 5% tổng số hàng hoá ở Mỹ được vận chuyển bằng sà lan trên sông.
Phần lớn lượng sà lan di chuyển về phía nam vào mùa này trong năm là chở nông sản. Nhiều sà lan hướng về phía bắc chở phân bón mà nông dân cần cho vụ mùa tiếp theo. CEO Seyfert cho biết: “Thời điểm này trong năm, con sông rất quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hoá”.
Sà lan đình trệ hoạt động là một trở ngại nữa đối với các chuỗi cung ứng của Mỹ, vẫn đang vật lộn để phục hồi sau những gián đoạn kể từ khi bắt đầu đại dịch cách đây hai năm rưỡi. Các cảng Bờ Tây, nơi hầu hết hàng hóa nhập khẩu bằng tàu container của Mỹ cũng vẫn đang bị tắc nghẽn.
Và dù một cuộc đình công về đường sắt vận chuyển hàng hóa đã được ngăn chặn vào tháng trước thì chính công ty đường sắt cũng thừa nhận họ đang cung cấp mức độ dịch vụ dưới mức tiêu chuẩn khi họ phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động.
Mississippi không phải là con sông duy nhất đối mặt với mực nước thấp và đặt ra các vấn đề kinh tế cho những người sống phụ thuộc vào những con sông đó.
Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, khu vực cung cấp nước cho sông Mississippi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt hạn hán tháng 7. Hai cấp độ hạn hán cao nhất đã mở rộng khắp miền Trung tây và phía Nam.
Lần cuối cùng sông Mississippi có mực nước thấp như vậy là vào năm 2012, và trận hạn hán lớn nhất trong những thập kỷ gần đây xảy ra vào năm 1988. Tuy nhiên, xem xét thời điểm đầu mùa, Mississippi có khả năng đạt mức thấp kỷ lục nếu khu vực này không bắt đầu đón nhận những trận mưa lớn trong những tuần tới.
Tình trạng khô hạn trên diện rộng này cũng đang tác động đến các nhánh sông quan trọng khác của sông Mississippi. Hơn 70% lưu vực sông Missouri đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, có nghĩa là lượng nước vào sông Mississippi ít hơn, làm mực nước này tiếp tục hạ thấp.
Hạn hán kéo dài ở miền Tây nước Mỹ đã khiến mực nước các hồ chứa ở lưu vực sông Colorado xuống mức thấp trong lịch sử. Nguồn cung cấp nước đó rất quan trọng đối với cả năng lượng thủy điện, nông ngư nghiệp và sinh hoạt cần thiết cho các bang miền Tây.