Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, lượng than sử dụng trên toàn thế giới sẽ đạt kỷ lục mới trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường nặng nề này vẫn cao.
Trong một báo cáo công bố ngày 16/12, IEA cho biết mặc dù việc sử dụng than chỉ tăng 1,2% vào năm 2022, nhưng mức tăng này đã đẩy lượng than tiêu thụ lên mức cao nhất từ trước tới nay là hơn 8 tỷ tấn và vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2013. Có thể thấy, chưa bao giờ nhân loại đốt cháy nhiều than đá như vậy trong một năm, mặc dù đây là loại năng lượng gây ô nhiễm nhất và là nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu.
Điều này có nghĩa than đá sẽ tiếp tục là nguồn phát thải CO2 lớn nhất trong hệ thống năng lượng toàn cầu. Lượng than tiêu thụ của thế giới sẽ vẫn ở mức tương tự trong những năm tiếp theo nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Lượng than sử dụng trên toàn thế giới sẽ đạt kỷ lục mới trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường nặng nề này vẫn cao.
Theo IEA, giá khí đốt tự nhiên tăng cao tỷ lệ thuận với sự phụ thuộc vào than đá để sản xuất điện. Tuy nhiên, thế giới cần phải cắt giảm mạnh mẽ việc sử dụng than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác để hạn chế quá trình nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ này.
Chỉ riêng ở châu Âu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng hơn các khu vực khác, mức tiêu thụ đã tăng 9%, lên 377 triệu tấn.
Do chiến tranh ở Ukraine, sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga và giá năng lượng tăng cao, các nước trong Liên minh châu Âu đã khởi động lại hoạt động, hoặc trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, trong đó có sử dụng cả than non, một loại than kém chất lượng còn gây ô nhiễm nặng hơn.
IEA cảnh báo nhu cầu toàn cầu sẽ duy trì ở mức này cho đến năm 2025, nếu như “không có những nỗ lực bổ sung để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng”. Chỉ từ năm 2024, thị trường này mới có các tín hiệu cải thiện khi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt được đưa vào vận hành với giá thành rẻ hơn so với các nhà máy chạy bằng than.
Cơ quan này cho biết thêm, ngay cả khi mức tiêu thụ giảm ở các nước phát triển, các nước châu Á sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than đá để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện của họ.
Giới chuyên gia cho rằng mục tiêu đầy tham vọng mà các chính phủ đã nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 sẽ khó đạt được, do nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới đã tăng 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp tới nay.
Ông Kei-suke Sadamori, Giám đốc Thị trường Năng lượng và An ninh tại IEA, lưu ý rằng: “Thế giới đang tiến gần đến đỉnh điểm về tiêu thụ năng lượng hóa thạch, lẽ ra than phải là thứ giảm đầu tiên, nhưng chúng ta chưa làm được điều đó." Nếu việc giảm tiêu thụ loại năng lượng gây ô nhiễm này bắt đầu vào năm 2024 ở châu Âu, thì xu hướng giảm toàn cầu lại phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc.
Theo IEA, than là “xương sống của nền kinh tế Trung Quốc.” Đất nước này tiêu thụ 53% lượng than trên thế giới và nhiên liệu này cung cấp cho nó 60% năng lượng sơ cấp. Với hạn hán làm giảm công suất sản xuất thủy điện và đợt nắng nóng vào mùa Hè này đã thúc đẩy nhu cầu điện, nhu cầu than tăng vọt vào năm 2022.
Trước đó, trong báo cáo "Global Carbon Budget" (Báo cáo ngân sách carbon) được công bố tại Hội nghị COP27 chỉ rõ, lượng CO2 phát thải từ nhiên liệu hóa thạch đang trên đà tăng 1% trong năm 2022, theo đó sẽ đạt mức cao nhất các nhà khoa học từng ghi nhận.
Theo đó, lượng khí thải từ dầu mỏ trong năm 2022 có thể sẽ tăng 2% so với năm ngoái, trong khi lượng khí thải từ than đá được cho là sẽ cao hơn mức kỷ lục từng ghi nhận năm 2014.
Tại COP26, thế giới chứng kiến nhiều cam kết mạnh mẽ. Một loạt quốc gia đưa ra những cam kết mới về lộ trình loại bỏ than. Tổng cộng 47 nước đã ủng hộ “Tuyên bố toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch” tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) do Vương quốc Anh - nước Chủ tịch COP26 - khởi xướng nhằm thúc đẩy động lực quốc tế cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Ngày 4/11, các nước cam kết mới trong việc loại bỏ than cũng đã gia nhập Liên minh coi than là quá khứ (PPCA). Đây là liên minh do Vương quốc Anh và Canada phát động và thành viên của liên minh này gồm các Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc gia và địa phương đang nỗ lực chuyển dịch khỏi điện than và là liên minh lớn nhất thế giới về loại bỏ than. Thành viên của liên minh này hiện gồm 165 nước, thành phố, khu vực và doanh nghiệp. Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á tham gia PPCA. |