Lan Anh ·
2 năm trước
 8973

Năm 2022 sẽ là năm thứ 8 liên tiếp nhiệt độ Trái Đất tăng kỷ lục?

Năm 2022 sẽ đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp có nhiệt độ vượt ngưỡng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo đó, nếu không cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.

Vào năm 2022, thế giới có thể sẽ trải qua một trong những năm ấm nhất được ghi nhận, thúc giục các quốc gia cần giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu. Trong đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự báo sẽ cao hơn khoảng 1,09 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo Văn phòng Khí tượng Anh cho biết. Mặc dù mức nhiệt được dự báo sẽ thấp hơn một chút so với một số năm kể từ năm 2015, nhưng năm 2022 sẽ đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp có nhiệt độ vượt ngưỡng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Với tốc độ gia tăng nồng độ khí nhà kính như hiện nay, thế giới sẽ chứng kiến ​​mức tăng nhiệt độ vào cuối thế kỉ này vượt xa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 đến 2 độ C, so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Chuyên gia về dự báo khí hậu của Văn phòng Khí tượng Anh, ông Doug Smith cho rằng, chuỗi tăng nhiệt độ trung bình kể từ năm 2015 ẩn dấu sự biến đổi lớn về nhiệt độ trên toàn cầu. Một số khu vực như Bắc Cực đã ấm lên vài độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.

Năm 2022 sẽ là năm thứ 8 liên tiếp nhiệt độ Trái Đất tăng kỷ lục? - Ảnh 1
Năm 2022 sẽ đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp có nhiệt độ vượt ngưỡng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, các nhà khoa học khí hậu nhận định, nếu không cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng. Điều này sẽ làm gia tăng sự xuất hiện của các hiện tượng thời tiết như sóng nhiệt, đe dọa cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn và làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực.

Bên cạnh đó, thông tin từ Liên Hiệp Quốc cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu có thể làm giảm khoảng 30% năng suất cây trồng toàn cầu trong khi nhu cầu lương thực được dự báo sẽ tăng 50% trong những thập kỷ tới.

Năm 2022, ảnh hưởng của La Nina ở Thái Bình Dương sẽ khiến nhiệt độ giảm nhẹ. Một mùa đông lạnh hơn trong khu vực có thể làm tăng nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Á, thị trường thu mua lớn nhất thế giới đối với loại nhiên liệu này.

La Nina đã phát triển năm thứ 2 liên tiếp và dự kiến ​​sẽ kéo dài đến đầu năm 2022, ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa. Trước đó, theo WMO dự báo, bất chấp tác động làm mát của hiện tượng La Nina, nhiệt độ ở nhiều nơi trên thế giới được dự đoán là trên mức trung bình do nhiệt tích tụ bị giữ lại trong khí quyển bởi lượng khí nhà kính cao kỉ lục.

Thực tế, biến đổi khí hậu đã gây tác động mạnh mẽ tới môi trường và con người. Cho đến nay, nắng nóng là hiện tượng thời tiết cực đoan gây tử vong cao nhất. Các đợt nắng nóng kéo dài khiến đất đai khô cằn, gây ra tình trạng khan hiếm nước sạch, cháy rừng lan rộng mất kiểm soát, bão bụi và lũ quét. Ở nhiều nơi trên thế giới, việc thiếu hụt nguồn nước sạch dẫn tới bệnh dịch nghiêm trọng.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 tại thành phố Glasgow (Scotland, Anh), các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ đã cố gắng duy trì triển vọng hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mặt khác, Hội nghị COP26 được các quốc gia kỳ vọng là “cơ hội đột phá” để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng lớn trên toàn cầu.

Tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Theo đó, mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác. 

Có thể thấy, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt năm 2021 đã liên tục lập những kỷ lục trên toàn cầu. Hàng trăm người chết vì bão và các đợt nắng nóng. Nông dân vật lộn với hạn hán, một số nơi thì đối mặt với nạn châu chấu hoành hành. Các đám cháy "nuốt chửng" các khu rừng, thị trấn và nhà cửa, đồng thời lập kỷ lục mới về phát thải carbon. Biến đổi khí hậu năm 2021 đã định hình lại cuộc sống trên hành tinh thông qua các hình thái thời tiết khắc nghiệt.

Nguồn