Huyền My ·
1 năm trước
 6877

Năm 2023, Bộ TN&MT sẽ xây dựng 24 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia

Năm 2023, Bộ TN&MT dự kiến xây dựng 24 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý đất đai, nhiệm vụ trong năm 2023 là xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Giai đoạn 2023-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng 115 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu thuộc các lĩnh vực: 98 tiêu chuẩn địa chất - khoáng sản; bảy tiêu chuẩn ở lĩnh vực đo đạc bản đồ, năm tiêu chuẩn ở lĩnh vực đất đai, bốn tiêu chuẩn ở lĩnh vực khí tượng thủy văn và một tiêu chuẩn ở lĩnh vực khoa học công nghệ.

Năm 2023, Bộ dự kiến xây dựng 24 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, lĩnh vực địa chất khoáng sản 19 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; lĩnh vực khí tượng thủy văn hai tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, lĩnh vực đất đai hai tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và lĩnh vực công nghệ thông tin một tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Chú trọng xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia trong năm 2023.

Cụ thể, đối với lĩnh vực địa chất khoáng sản, các tiêu chuẩn tập trung chuẩn hóa các nội dung về phương pháp địa vật lý lỗ khoan được áp dụng trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, địa chất thủy văn, địa chất công trình, đánh giá, thăm dò khoáng sản, nghiên cứu môi trường; địa vật lý lỗ khoan xác định trạng thái kỹ thuật lỗ khoan, lấy mẫu, mở vỉa, theo dõi sự biến đổi cơ lý trong quá trình khoan…

Lĩnh vực khí tượng thủy văn, năm 2023, việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật tập trung vào các nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng công trình quan trắc khí tượng thủy văn, điều tra lũ vùng sông không ảnh hưởng thủy triều.

Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý đất đai, nhiệm vụ trong năm 2023 là xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hướng đến quy định chi tiết về đặc tính kỹ thuật, chuẩn để phân loại, đánh giá, quản lý chất lượng cơ sở dữ liệu đất đai nói chung cũng như cơ sở dữ liệu ô nhiễm đất đai nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng, quản lý hiệu quả công tác đánh giá đất.

Trong những năm qua, với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hóa như hiện nay, diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người giảm.

Trong đó, đất ô nhiễm bị gây ra bởi sự có mặt của hóa chất xenobiotic (sản phẩm của con người) hoặc do các sự thay đổi trong môi trường đất tự nhiên. Nó được đặc trưng gây nên bởi các hoạt động công nghiệp, các hóa chất nông nghiệp, hoặc do vứt rác thải không đúng nơi quy định. Các hóa chất phổ biến bao gồm: Hydrocacbon dầu, hydrocacbon thơm nhiều vòng (như là naphthalene and benzo(a)pyrene),… dung môi, thuốc trừ sâu, chì, và các kim loại nặng. Mức độ ô nhiễm có mối tương quan với mức độ công nghiệp hóa và cường độ sử dụng hóa chất.

Theo công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2021, tổng diện tích tự nhiên của cả nước là 33.134.480 ha. Trong đó, diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.994.319 ha; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.949.158 ha; diện tích nhóm đất chưa sử dụng là 1.191.003 ha.

Trong nhóm đất phi nông nghiệp thì đất ở có diện tích 759.545 ha, trong đó đất ở tại nông thôn diện tích là 564.451 ha, đất ở tại đô thị có diện tích là 195.094ha.

Thông tin từ Cục Môi trường Việt Nam cho biết, chất lượng đất ở hầu hết các khu vực đô thị đông dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng nguyên nhân chính là do chất thải từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và rác thải từ các hộ dân. Hiện giờ, dọc theo bất cứ con đường, góc phố nào, chúng ta cũng bắt gặp những đống rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi vừa gây mất mỹ quan vừa ảnh hưởng đến chất lượng đất xung quanh. Ngay cả những vùng nông thôn thì hiện trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi vẫn xảy ra không kiểm soát.

Bên cạnh thực trạng đó,quỹ đất càng ngày càng thấp và giảm theo thời gian do sức ép tăng dân số, quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước ở Việt Nam. Quá trình quy hoạch và sử dụng đất của nhiều tỉnh thành vẫn còn bộc lộ những hạn chế và bất hợp lý trong phân bổ quỹ đất cho các ngành và lĩnh vực.

Thậm chí, tình trạng phổ biến hiện nay là việc chuyển đổi cơ cấu mục đích sử dụng đất, suy giảm mạnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp do đô thị hoá, quỹ đất nông nghiệp được chuyển sang sử dụng vào mục đích xây nhà ở, các khu công nghiệp và thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông.