Ngày 28/2, Hội Luật gia Việt Nam và Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo một số đại biểu, dự luật lần này cần phải giải quyết được những bất cập phát sinh trong thực tiễn, trong đó nổi lên 2 vấn đề là kiểm soát quyền lực trong quản lý, sử dụng đất và khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác.
"Người đứng đầu UBND không phải là chủ sở hữu đất đai, nhưng họ lại được giao rất nhiều quyền, thế thì cơ chế giám sát như thế nào? Trong dự thảo luật, Ban soạn thảo nói tương đối rõ quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của Quốc hội, HĐND các cấp, nhưng Chính phủ, UBND các cấp thì không quy định rõ. Ban soạn thảo cần bổ sung cơ chế để giám sát Chính phủ và UBND các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai cụ thể hơn", PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Dự thảo Luật Đất đai của chúng ta có nhiều quy định trùng lặp Luật Quy hoạch 2017. Ví dụ như công bố quy hoạch chẳng hạn, trong Luật Quy hoạch cũng có những quy định rất cụ thể chi tiết về công bố, kể cả thời hạn công bố. Luật Đất đai cũng làm quy hoạch công bố đất đai thì Luật Đất đai phải viện dẫn, phải áp dụng những quy định đã có trong Luật Quy hoạch", GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Hội Luật gia Việt Nam, nêu quan điểm.
Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một số nguyên tắc trong điều 60 về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
"Những nguyên tắc chung thể hiện trong điều 60 thì tôi thấy còn thiếu. Một là dân chủ, hai là công khai, ba là minh bạch thì cái đó được rồi, nhưng nó thiếu cái đầu tiên là khách quan. Khách quan thì anh mới cho anh được cách tiếp cận nó đúng và đồng thời là đòi hỏi trách nhiệm của anh một cách đầy đủ, quan tâm tới tất cả các vấn đề. Nhưng nguyên tắc thứ 2 chắc chắn làm quy hoạch thì phải khoa học, không có khoa học thì không được thế tại sao không đưa vào đây?", GS.TS. Lê Minh Tâm, Nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nói.
Dự kiến sáng nay, Hội Luật gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo để các đại biểu đóng góp ý kiến về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể sử dụng đất và các mối quan hệ pháp lý phát sinh.