Đây là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu tại cuộc họp đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thực hiện giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho thấy, tổng nguồn xăng dầu các loại nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế thực hiện cả năm 2023 ước khoảng 26,02 triệu m3/tấn.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023 và đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024. Được biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 là gần 28,42 triệu m3/tấn các loại (so với năm 2023 tăng 2,4 triệu tấn/m3).
Năm 2022, thị trường xăng dầu trong nước có một số thời điểm bị đứt gãy, đặc biệt là ở phía Nam, sau lan ra Hà Nội, khiến cho người dân phải xếp hàng dài chờ mua xăng. Còn năm 2023, nguồn cung xăng dầu ổn định, không xảy ra thiếu hụt.
Theo phân tích của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), kinh tế gặp nhiều khó khăn, năm 2023 GDP tăng trưởng chỉ đạt 5,05%, việc này kéo theo nhu cầu xăng dầu giảm đi.
Tuy vậy, năm 2024 nhu cầu xăng dầu trong nước được dự báo có thể tăng đột biến khi giá và nguồn cung chịu ảnh hưởng trước biến động phức tạp của thị trường thế giới, nguồn cung và giá cả vật tư chiến lược rất khó đoán định.
Lo ngại nguồn cung xăng dầu đứt gãy, tăng giá, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các giải pháp, tuyệt đối không để thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải có phương án tình thế, dự phòng cho tình huống bất thường.
Để lo đủ xăng dầu ở mức hơn 28 triệu tấn cho thị trường, kịch bản điều hành được đề xuất là thực hiện theo từng tháng và hàng quý, đồng thời kế hoạch này được điều chỉnh một cách linh hoạt.
Trong tình huống bất thường, doanh nghiệp chủ động phản ánh đề xuất cơ chế chính sách hoặc các giải pháp tình thế với cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phải vừa vận hành theo cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm vai trò của Nhà nước trong việc quản lý điều tiết mặt hàng này mà vẫn duy trì được nguồn cung, không để đứt gãy.
Doanh nghiệp tăng tốc lo nguồn cung
Năm 2024, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được Bộ Công thương phân giao 1,5 triệu m3/tấn (tăng 12 % so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023).
Đối với mặt hàng dầu diesel, Bộ Công thương phân giao tăng 22% so với sản lượng xuất bán của Petrolimex năm 2023.
Theo ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Petrolimex, doanh nghiệp sẽ bám sát chỉ tiêu được giao cũng như thực hiện đúng quy định về hạn mức tồn kho tối thiểu.
Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) xác nhận, năm 2024 sẽ có giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu ít nhất ngang bằng với năm 2023. Được biết, nguồn cung xăng dầu của PVN trong năm 2023 đã vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2024, Xăng dầu quân đội được Bộ Công thương phân giao hạn ngạch tăng 30% so với kế hoạch năm 2023 (tăng 18% so với thực hiện của năm 2023).
Dù trong năm 2023 nguồn cung xăng dầu ổn định, không xảy ra hiện tượng đứt gãy cục bộ thế nhưng vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp đầu mối chưa chấp hành nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn tối thiểu. Chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như: kho bãi, dự trữ thương mại tối thiểu, chấp hành nghĩa vụ thuế, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn.
Chính vì thế, lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành cùng phối hợp trong điều hành xăng dầu.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7275418415851185/?