Bích Hải ·
2 năm trước
 3308

Nấm - Sự thay thế tiềm năng thân thiện với môi trường

Nấm là một loại vật liệu phân hủy sinh học, dễ trồng và dễ thu hoạch. Nhiều nhà khoa học đã tận dụng những đặc tính này để sản xuất ra những đồ vật làm từ vật liệu này để thay thế cho các sản phẩm làm từ vật liệu có hại cho môi trường.

Bao bì hữu cơ làm từ nấm

Bao bì làm từ nấm được làm từ các sợi tơ nấm kết hợp với vỏ thóc, vỏ cà phê, hồ tiêu, rơm rạ do Lâm Vạn Lập, chàng sinh viên năm 3 ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Hoa Sen TP. HCM tạo ra. Loại bao bì này thân thiên với môi trường, dễ phân hủy và có thể tái sử dụng, đặc biệt có thể làm phân bón cho cây cối sau khi hết sử dụng hoặc cũng có thể dùng chúng tạo ra cây nấm linh chi mọc trong vườn nhà.

nấm linh chi

Ảnh: Hà Thanh

Quy trình làm bao bì hưu cơ này khá công phu. Đầu tiên là tìm các phế phẩm nông nghiệp như vỏ thóc, bã mía, mạt cưa, vỏ bông... rồi nghiền nát và trộn lại. Kế đến là hấp khử trùng rồi cho vào khuôn có hình dáng theo nhu cầu. Cuối cùng là cấy tơ nấm. Các sợi mecylium (được xem như bộ rễ của cây nấm) sẽ mọc xung quanh bao phủ toàn bộ số nguyên liệu. Sự liên kết của các sợi mecylium tạo thành hệ thống polyme kitin kết chặt các nguyên vật liệu lại. Trong vòng 5 ngày, bao bì hữu cơ tự hình thành.

Bao bì làm từ sợi nấm, hoàn toàn không nhựa

Magical Mushroom Company (MMC) đã triển khai sản xuất quy mô lớn bao bì phân hủy sinh học có nguồn gốc từ nấm, một giải pháp thay thế không chứa nhựa có khả năng phân hủy bằng cách chôn ủ tại nhà. Bao bì loại này có hiệu quả tương đương và chi phí vô cùng cạnh tranh so với polystyrene truyền thống, hiện đang được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hàng hóa từ các thiết bị đồ bếp, mỹ phẩm đến đa dạng các loại sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.

bao bì nấm

Quy trình này bắt đầu từ việc lấy chất thải sau chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp như cây gai dầu, hoa bia, ngô và gỗ, sau đó kết hợp chúng với sợi nấm – hệ thống rễ của nấm. Những nguyên liệu sống này sau đó được tạo hình bằng cách sử dụng khuôn 3D, sau đó được nung, làm cứng, ngăn chặn quá trình phát triển thêm. Toàn bộ quá trình từ thiết kế đến nguyên mẫu chỉ mất 14 ngày.

Tấm cách nhiệt bằng sợi nấm

Tấm cách nhiệt bằng sợi nấm là trọng tâm phát triển của Biohm, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Anh chuyên phát triển các vật liệu bền vững và có thể phân hủy sinh học cho ngành xây dựng.

Ưu điểm chính của sợi nấm là có trên các sản phẩm nông nghiệp phế thải có thể phân hủy sinh học và chứa kitin - chất chống cháy tự nhiên.

“Công nghệ của chúng tôi tập trung vào việc tận dụng các sản phẩm phế thải từ các ngành nông nghiệp hoặc ngành xây dựng, đồng thời cố gắng tái tạo những vật liệu này và biến chúng trở nên hữu ích”, Aaron Jones, Giám đốc phát triển của Biohm thông tin.

Tấm cách nhiệt sợi nấm của Biohm

Tấm cách nhiệt sợi nấm của Biohm. (Ảnh: vatlieuxaydung.org)

Gạch nấm

Việc kết hợp nuôi nấm bằng chất thải hữu cơ (như rơm rạ, vỏ bắp hoặc các chất thải nông nghiệp khác) sẽ góp phần giảm bớt khí thải CO2, so với việc ủ hoặc đốt chúng bởi vì nấm không phải là loài tiêu thụ CO2 như thực vật mà chúng còn tạo ra CO2 khi tiêu hóa thức ăn, giống như động vật. Bằng cách này, gạch làm từ nấm vừa giảm bớt lượng chất thải hữu cơ trong môi trường vừa tốt cho khí hậu, do đó chắc chắn tốt hơn so với sử dụng bê tông, thép và gạch. Vì có nguồn gốc thực vật, nên gạch từ nấm sau khi thải bỏ sẽ từ từ phân hủy.

gạch nấm

FUNGAR (Fungal Architectures) - một dự án mới do nhóm nhà khoa học vật liệu sinh học và nghiên cứu kiến trúc ở châu Âu khởi động từ năm 2019, tập trung nghiên cứu cách thức xây dựng các công trình từ nấm. Họ đã kết hợp "rễ" của nấm, với chất thải nông nghiệp là rơm rạ và để nấm phát triển trong khoảng 2 tuần, cho đến khi nấm xâm nhập vào rơm, quyện chặt những sợi rơm với nhau và tạo thành một khối vật liệu màu trắng.

Tiếp theo, họ xử lý vật liệu bằng nhiệt hoặc hóa chất để tiêu diệt nấm. "Lúc này, nó rất giống một viên gạch truyền thống, chỉ khác ở chỗ là được làm từ vật liệu hữu cơ thay vì đất sét hoặc bê tông" - Phil Ayres, nhà nghiên cứu kiến trúc tại Trung tâm Công nghệ Thông tin và Kiến trúc ở Copenhagen (Ðan Mạch), cho biết.

gạch ốp nấm

Ông Ayres cho biết mặc dù còn quá sớm để nói "giờ đây chúng ta có thể xây nên một ngôi nhà hoàn toàn bằng nấm", nhưng vật liệu trang trí nội thất từ nấm thì đã có. Ðiển hình là Mogu, một công ty có trụ sở ở Milan (Ý) đã sản xuất và bán gạch ốp tường và gạch lát nền có đặc tính cách âm làm từ sợi nấm. Giám đốc công nghệ Antoni Gandia, cũng là một đối tác của dự án FUNGAR, tiết lộ Mogu cũng đang phát triển thêm vật liệu cách nhiệt cho các tòa nhà từ sợi nấm.

Đồ nội thất làm từ nấm

Sản phẩm nội thất làm từ nấm có đặc tính nhẹ, êm, bền và cực kỳ thân thiện với môi trường. Chúng được tạo ra bởi nấm và gỗ, do Sebastian Cox – một nhà thiết kế trẻ tại London hợp tác cùng Ninela Ivanova, một tiến sỹ nghiên cứu về nấm để tìm ra loại vật liệu tiềm năng trong lĩnh vực thiết kế nội thất.

Ngoài tính chất bền vững, chắc chắn, vật liệu làm từ sợi nấm còn được các nhà thiết kế đánh giá là dễ tạo hình. Họ có thể biến chúng thành bất cứ hình dạng nào mà họ mong muốn chỉ bằng cách thay đổi nhiệt độ, điều kiện môi trường.

đồ nội thất làm từ nấm

Cụ thể, khi nhiệt độ tăng lên, sợi nấm sẽ nhỏ dần nhưng cấu trúc của nó sẽ bền chặt, cứng hơn nhiều và có thể nâng được những đồ vật có trọng lượng lớn. Đặc biệt, “nhờ hiểu được đặc điểm sinh trưởng và phát triển của nấm, chúng tôi có thể quyết định được thời điểm dừng quá trình tái tạo nhằm giữ hình dạng và kết cấu của sản phẩm trước khi đem nó đi sấy khô”, Ninela Invanova cho biết.

Quan tài bằng sợi nấm

Một công ty ở Hà Lan thì cho ra đời The Living Cocoon, một “quan tài nấm” giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy và loại bỏ các chất độc hại khỏi đất, làm lợi cho cây trồng.

Loại quan tài đặc biệt này cấu tạo chủ yếu từ mycelium, thành phần có trong thân nấm. Bob Hendrikx, nhà sáng lập của Loop cho biết, mycelium không chỉ vô hiệu hóa độc tố tiết ra từ xác động vật phân hủy mà còn cung cấp chất dinh dưỡng cho các loài thực vật lân cận.

quan tài làm từ nấm

Quan tài đặc biệt làm từ mycelium, thành phần chủ yếu có trong sợi nấm. (Ảnh: Loop)

Khác với các loại quan tài làm từ gỗ và kim loại vốn làm chậm quá trình phân hủy của cơ thể người chết, Living Cocoon sẽ được hấp thụ vào lòng đất trong khoảng 4 đến 6 tuần sau khi chôn xuống. Quan tài làm từ nấm này được cho là góp phần thúc đẩy việc phân hủy xác người và nạp lượng chất tiết ra vào môi trường đất xung quanh.

Giày da làm từ nấm

Giày da Stan Smith Mylo được làm từ nấm và rễ ngầm của nấm, Adidas nâng tầm phom dáng Stan Smith bằng cách tạo ra một sự thay thế bền vững có thể tái tạo cho da.

Để tạo ra Stan Smith phiên bản Mylo, công ty thời trang thể thao đến từ Đức này đã hợp tác với công ty công nghệ sinh học Bolt Threads tại Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm phát triển vật liệu sợi nấm. Sợi nấm là một mạng lưới nấm có thể tái tạo, phát triển dưới lòng đất. Loại sợi nấm này có kết cấu vô tình giống như chất liệu da mềm.

giày da từ nấm

Sợi nấm, là cơ sở của chất liệu thay thế da, được tạo ra trong một quá trình tăng trưởng hiệu quả cao chỉ mất chưa đầy hai tuần. Theo thương hiệu, phương pháp này sử dụng kỹ thuật canh tác thẳng đứng cho phép sợi nấm được trồng trong một hệ thống tiết kiệm không gian giúp tăng năng suất trên mỗi mét vuông. Kết quả là, tốc độ sản xuất của chất liệu thay thế da cao hơn đáng kể so với chất liệu động vật.