Tạ Nhị ·
1 năm trước
 4776

Nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược trong quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội

Vừa qua, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam kết hợp với Khoa Môi trường - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức thành công chương trình tập huấn “Nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược trong quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội".

Chương trình tập huấn được diễn ra trong hai ngày 16 và 17/9/2022 tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, với sự tham của các diễn giả: PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS. Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; GS.TS. Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Mô hình hóa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN).

PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam( thứ hai từ trái qua) cùng PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN tham dự khai mạc chương trình tập huấn.

Chương trình tập huấn thu hút đông đảo học viên là cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy và cán bộ thực hiện các dự án quy hoạch theo luật quy hoạch 2017.

Tại buổi tập huấn ngày thứ nhất (16/9), PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ: “Đánh giá môi trường là một công việc khó không chỉ đối với các học viên cao học mà ngay cả với các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực mỗi trường. Mỗi dự án lại bao gồm nhiều dự án môi trường nhỏ bên trong, cần khoanh lại phạm vi, đánh giá đúng chỗ thực hiện và xác định đúng khoảng thời gian ảnh hưởng của dự án đó, dự án tác động tích cực hay tiêu cực. Với kinh nghiệm của mình, khi tham gia các dự án đó, chúng tôi nhận thấy rằng không phải ai cũng có thể hiểu và viết đủ, chính xác các báo cáo môi trường chiến lược. Vì thế cần phải nâng cao năng lực thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Toàn cảnh ngày đầu chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phục vụ xây dựng và phản biện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới”.

Năm 2017, Việt Nam ban hành Luật Quy hoạch và tính đến hiện tại đã 5 năm trôi qua nhưng chỉ mới có 5,6 quy hoạch được thông qua. Tuy nhiên còn rất nhiều quy hoạch nữa. Vậy nên cần bổ sung kiến thức cho người tham gia quy hoạch và người đánh giá quy hoạch để có thể đẩy nhanh và hiệu quả công tác này” - PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.

Đánh giá môi trường chiến lược là công cụ kỹ thuật quản lý phức tạp, vì vậy việc áp dụng trong thực tế cũng là khó khăn với học viên các ngành môi trường, cũng như các chuyên gia đã có thâm niên công tác trong các lĩnh vực môi trường. Kỹ thuật này được được áp dụng để phân tích và đánh giá các vấn đề môi trường có tầm cỡ lớn như: Chiến lược, quy hoạch và kế hoạch gọi tắt là CQK.

Cũng tại buổi tập huấn đầu tiên, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: “Chương trình được tổ chức nhằm tạo cơ hội để chúng ta trao đổi với nhau, liên lục góp ý và tham vấn cho bản ĐMC. Nhiều người vẫn không hiểu và có sự nhầm lẫn khi nhắc về khái niệm này. Chương trình này được tổ chức nhằm tạo điều kiện để bàn luận về các vấn đề có tính lý luận và thực tiễn liên quan đến nội dung trên”.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phát biểu tại chương trình tập huấn.

Trong bài giảng, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đã nêu rõ bản chất của Đánh giá môi trường Chiến lược (ĐMC), những khái niệm cơ bản về quy hoạch, Luật Quy hoạch 2017 và những yêu cầu đặt ra.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, các học viên đã được lắng nghe PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN chia sẻ và làm rõ các nội dung về Luật BVMT 2020 và hệ thống văn bản QPPL về BVMT; Yêu cầu tuân thủ pháp luật BVMT đối với doanh nghiệp.

Nối tiếp sự thành công ngày tập huấn đầu tiên, bước sang ngày tập huấn thứ hai (16/9), các học viên được lĩnh hội những kiến thức về ĐTM và ĐMC từ PGS.TS. Lưu Đức Hải và GS.TS. Hoàng Xuân Cơ.

GS.TS. Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Mô hình hóa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trao đổi, thảo luận với các học viên tham gia tập huấn.

Tại buổi tập huấn ngày hai, PGS.TS. Lưu Đức Hải nhấn mạnh về các phương án thực hiện ĐMC, đó là: “Thực hiện song song với quá trình lập quy hoạch”. Việc thực hiện song song này mang lại nhiều thuận lợi về tổ chức và phát huy được tính độc lập sáng tạo của từng nhóm tư vấn, tuy nhiên dễ nảy sinh bất đồng khó giải quyết giữa các nhóm tư vấn ĐMC và nhóm tư vấn lập quy hoạch.

Ở Việt Nam, các nhóm tư vấn ĐMC thường được thành lập sau khi nhóm quy hoạch bắt đầu thực hiện, đôi khi thậm chí chỉ thành lập sau khi nhóm ĐMC ở cơ quan khác để thực hiện đánh giá quy hoạch được một cơ quan khác hoàn thành – PGS.TS. Lưu Đức Hải bày tỏ.

Về tham vấn trong công tác ĐMC, Phó Giáo sư cũng nhấn mạnh rằng: Việc tham vấn các bên liên quan là yêu cầu bắt buộc và là phương pháp có hiệu quả của ĐMC các dự án quy hoạch: Tham vấn về mục tiêu, các vấn đề môi trường chính, kết quả sơ bộ của quy hoạch trước khi quyết định quy hoạch.

Khép lại các nội dung của chương trình tập huấn, GS.TS. Hoàng Xuân Cơ kết luận một số phương pháp thực hiện ĐMC và khả năng áp dụng thực tiễn như sau:

Thứ nhất, Nhóm thực hiện ĐMC phải nắm vững quy trình, chọn được quy trình hợp lý để áp dụng thì hiệu quả ĐMC sẽ cao, vừa đóng góp tốt cho việc lập CQK/PPP vừa tiết kiệm được nguồn lực và thời gian.

Thứ hai, ở Việt Nam hiện nay vẫn còn một số nội dung trong các bước chưa được thực hiện tốt, nên cần được xem xét, đánh giá lại hiệu quả thực hiện ĐMC thời gian qua và rút kinh nghiệm để làm tốt trong thời gian tới.

Thứ ba, các phương pháp thực hiện ĐMC cần được nghiên cứu lựa chọn để áp dụng sao cho phù hợp với các nội dung ĐMC và điều kiện hiện có.

Thứ tư, trong công tác ĐMC cần tham khảo nhiều hơn các phương pháp đã được áp dụng thành công ở nhiều nơi (cả trong và nước ngoài) và luôn chú ý sử dụng các phương pháp, phần mềm có bản quyền trong thực hiện ĐMC và ĐTM.

Qua chương trình tập huấn “Nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược trong quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới”, các học viên đã được thảo luận và nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định báo cáo đánh gía tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường,… và nhiều nội dung liên quan đến ĐTM, ĐMC.

Học viên Nguyễn Thị Thu Hà – Giảng viên Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội chia sẻ: “Đây là chương trình tập huấn rất thiết thực và đúng thời điểm, đánh trúng cái mọi người cần, mọi người thiếu về công tác đánh giá môi trường chiến lược. Các diễn giả của chương trình tập huấn đều là giảng viên giỏi, uy tín trong lĩnh vực, phương pháp giảng dạy và trao đổi của các thầy đã tạo nên sức hút lớn cho chương trình tập huấn lần này.

Qua chương trình tập huấn, các học viên là những người công tác trong lĩnh vực môi trường và các chuyên gia về quy hoạch sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về công tác ĐTM, ĐMC để từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cơ quan, cá nhân trong công tác này, Học viên Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ.

Đánh giá, tổng kết chương trình tập huấn PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cảm ơn sự quan tâm, tham gia đông đảo của gần 100 học viên đã tham dự chương trình tập huấn lần này. Trong thời gian tới, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam mở rộng các lớp tập huấn, hội thảo về vấn đề môi trường.  

Kết thúc chương trình tập huấn, các học viên tham dự đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn “Nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược trong quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội trong gia đoạn mới”.