Thành Phong ·
2 năm trước
 2027

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước

Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả TNN rất quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của con người. Các chủ trương, chính sách, pháp luật về TNN đã được Bộ TN&MT xây dựng, hoàn thiện bảo vệ hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển bền vững kinh tế -

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, trước tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước trên địa bàn tỉnh có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng. Để ứng phó với tình trạng này, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước hiệu quả, bền vững.

Nhằm bảo vệ tài nguyên nước, tỉnh đề ra nhiều giải pháp như ngăn chặn, hạn chế, phòng ngừa các vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt; khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; áp dụng các biện pháp quản lý, giảm thiểu và hạn chế việc khai thác nước dưới đất. UBND tỉnh thực hiện quyết liệt quan điểm sẽ không cấp phép đối với khu vực đã có đường ống cấp nước tập trung có khả năng cung cấp nước ổn định về số lượng, chất lượng cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Tỉnh Long An đảm bảo kế hoạch cấp nước an toàn tại khu vực nông thôn, hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm. (Ảnh: Sơn Quê).

Trong những năm qua, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định về việc việc phê duyệt Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tỉnh; Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý khai thác tài nguyên nước dưới đất nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất. 

Năm 2017, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1419/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục vùng cấm, hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh và các bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất. Theo đó, công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước dưới đất được thực hiện dựa trên quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Long An.

Địa phương cũng triển khai kế hoạch yêu cầu trám lấp, đóng bít các giếng khoan khai thác nằm trong các khu, cụm công nghiệp đã có đường ống cấp nước mặt. Đến nay, có 368 giếng khai thác đã được trám lấp, đóng bít, với lưu lượng khoảng 53.100 m3 mỗi ngày. Để bảo vệ nguồn nước ngầm khan hiếm, Long An kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước mặt, nhất là đối với nước phục vụ sản xuất công nghiệp. Nhiều công trình, dự án sử dụng nước mặt được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước mặt hiện có.

Tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025, nhằm bảo đảm duy trì áp lực cấp nước, cung cấp ổn định, đủ lượng và bảo đảm chất lượng cấp theo quy chuẩn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các bệnh liên quan đến nước, phòng ngừa dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nguồn nước tưới tiêu, sản xuất chính của người dân, nhất là nông dân chủ yếu dựa vào hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Để hạn chế xâm nhập mặn, nhất là vào mùa khô, hàng loạt các hệ thống thủy lợi đã được xây dựng và vận hành.

Trong đó, các cống, đập ngăn mặn trên tuyến Quốc lộ 62, bảo vệ an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh Long An và Tiền Giang; dự án xây dựng kè ven sông Vàm Cỏ Tây, đoạn từ rạch Châu Phê đến TP Tân An,... đang phát huy hiệu quả cao trong đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất tại các địa phương.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, tỉnh cũng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, địa phương này đầu tư xây dựng hàng chục công trình (xây dựng, sửa chữa đê, cống, nạo vét kênh,...) phục vụ tưới, tiêu, phòng, chống hạn, mặn với nguồn vốn hàng trăm tỉ đồng.

Hiện toàn tỉnh có 5.452 công trình thủy lợi, trong đó cấp tỉnh quản lý 393 công trình, huyện quản lý 5.059 công trình. Tỉnh cũng quản lý 32 tuyến đê bao, tổng chiều dài hơn 280 km, bảo đảm chống lũ, triều cường, ngăn mặn triệt để, bảo vệ an toàn cho hơn 150.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 416.000 người dân các huyện phía Nam.

Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư các dự án thuộc Chương trình mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư nhằm kết hợp phát triển giao thông thủy dọc kênh với quy mô đường giao thông, tiêu úng, thoát lũ, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông kết hợp làm đê ngăn triều, ngăn lũ, chỉnh trang cảnh quan khu vực ven sông.

Tỉnh đã tăng cường bản tin dự báo nông nghiệp, phân vùng dự báo, chú trọng yếu tố thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực dễ tổn thương, có sức chống chịu kém; đánh giá cây trồng vật nuôi phù hợp… song song với quản lý chặt, sử dụng hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước, chủ động đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất trước tình hình thời tiết và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả TNN có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, các chủ trương, chính sách, pháp luật về TNN đã không ngừng được Bộ TN&MT xây dựng, hoàn thiện và ban hành đáp ứng yêu cầu cấp thiết bảo vệ hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Nguồn: Kinh tế Môi trường