Thanh Tâm ·
1 năm trước
 4630

Nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, giảm thiểu thiên tai cho các quốc gia Đông Nam Á

Việt Nam tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ đảm nhiệm vai trò Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai do lũ quét sạt lở đất cho Việt Nam nói riêng Đông Nam Á nói chung.

Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét 

Mới đây, tại Thụy Sĩ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về Trung tâm Khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS).

Theo đó, nội dung chính của Biên bản ghi nhớ hợp tác là xây dựng các điều khoản, giao Tổng cục KTTV Việt Nam đảm nhiệm vai trò Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á, cụ thể: Trung tâm khu vực có trách nhiệm hỗ trợ các nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển và triển khai dự án SeAFFGS. Những trách nhiệm này bao gồm hỗ trợ thu thập dữ liệu KTTV lịch sử và dữ liệu không gian (GIS) cần thiết cho việc phát triển hệ thống cho các quốc gia thành viên; hỗ trợ điều phối các đánh giá theo quốc gia cụ thể về các loại sản phẩm và dữ liệu được sử dụng trong quá trình phát triển hệ thống.

Việc tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ đảm nhiệm vai trò Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á mà WMO tin tưởng giao Tổng cục KTTV đảm nhiệm. Đây là hoạt động quan trọng trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai do lũ quét sạt lở đất cho Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á bền vững, hòa bình và thịnh vượng. Hoạt động này là sự ghi nhận vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực KTTV.

Phát biểu tại lễ ký kết, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV nhấn mạnh, đây là sự kiện đánh dấu một cột mốc rất quan trọng đối với cộng đồng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai. Đồng thời, ông Trần Hồng Thái gửi lời cảm ơn đến các đồng nghiệp từ Ban Thư ký WMO, nhà tài trợ dự án SEAFFGS, Chính phủ Canada, các Trung tâm KTTV quốc gia của các nước Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Công ty HRC đã tâm huyết và đóng góp to lớn để phát triển một dự án tuyệt vời cho cộng đồng Đông Nam Á chống lũ quét và sạt lở đất.

Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thủy văn như lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Đây cũng là sự kiện đánh dấu một cột mốc rất quan trọng đối với cộng đồng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai. Đồng thời, ông Trần Hồng Thái gửi lời cảm ơn đến các đồng nghiệp từ Ban Thư ký WMO, nhà tài trợ dự án SEAFFGS, Chính phủ Canada, các Trung tâm KTTV quốc gia của các nước Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Công ty HRC đã tâm huyết và đóng góp to lớn để phát triển một dự án tuyệt vời cho cộng đồng Đông Nam Á chống lũ quét và sạt lở đất.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, lũ quét cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người và gây thiệt hại lớn về tài sản mỗi năm, đe dọa sự phát triển bền vững toàn cầu. Đặc biệt, do tác động của biến đổi khí hậu, lũ quét và sạt lở đất diễn ra với cường độ, tần suất cao hơn và khó dự báo hơn.

Ngoài ra, Đông Nam Á có khí hậu nhiệt đới gió mùa và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thủy văn như lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn chưa đầy đủ và phù hợp.

Công nghệ hiện đại nâng cao năng lực dự báo

Việt Nam có 19-21 loại hình thiên tai. Trong những năm qua, ngành khí tượng thủy văn đã quan tâm tới tất cả các loại hình này và có kế hoạch đầu tư để giải quyết những vấn đề lớn. Việt Nam đã từng bước tiếp cận khoa học công nghệ, nghiên cứu các ngưỡng mưa, các khu vực sạt lở và đã có bản đồ phân vùng ở những nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất; đã có bản đồ 1/5.000 đánh giá, phân vùng những nơi nguy hiểm, những nơi đe dọa đến chúng ta đã dự báo được…

Trước đó, Đại hội Tổ chức Khí tượng Thế giới lần thứ 15 đã thông qua Nghị quyết 21 về nâng cao năng lực của các Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong đó thông qua việc triển khai Hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét với Dự án Bao phủ Toàn cầu.

Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á sử dụng mô hình công nghệ mới, hiện đại, do WMO chủ trù xây dựng, có sự tham gia của các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và các nước khu vực Đông Nam Á. SEAFFGS là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á bao gồm: Dữ liệu ước lượng mưa định lượng dựa trên vệ tinh và radar, các trạm thời tiết tự động, 4 sản phẩm Dự báo lượng mưa định lượng, Dữ liệu lịch sử và thời gian thực nhận được từ các quốc gia, các sản phẩm về Rủi ro lũ quét với thời gian cảnh báo lên đến 36 giờ.

Vào tháng 11/2017, cuộc họp lên kế hoạch ban đầu của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SeAFFGS) được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện Cơ quan Khí tượng Thủy văn các nước: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Các thành viên tham gia đều ủng hộ đề nghị Việt Nam trở thành Trung tâm khu vực của dự án SeAFFGS, có vai trò quan trọng trong các hoạt động chung của dự án vì dự án cho phép các Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tham gia cung cấp các dự báo và cảnh báo kịp thời, chính xác về các hiểm họa khí tượng thủy văn, đặc biệt là lũ lụt.

Với vai trò trung tâm vùng, Việt Nam sẽ quản lý 2 máy chủ đặt tại Tổng cục Khí tượng thủy văn, cung cấp thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực duy trì đường truyền, dữ liệu, bảo trì, vận hành hệ thống để cung cấp dữ liệu và trao đổi cho các Trung tâm Khí tượng thủy văn tại khu vực Đông Nam Á; chịu trách nhiệm phối hợp với các nước thành viên trong khai thác và sử dụng các sản phẩm của SEAFFGS nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở. Dự án có tổng kinh phí 1,3 triệu USD, được tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại.

Dữ liệu của Việt Nam đã được tích hợp gồm 10 radar, 370 trạm mưa tự động, đường bao hành chính quận, huyện, xã, sản phẩm dự báo mưa số trị từ mô hình WRF do Việt Nam cung cấp và sản phẩm dự báo mưa WRF từ hệ thống FFGS của Ủy hội sông Mekong (MRCFFGS).

Nguồn: Kinh tế Môi trường