Mới đây, Cục Hạ tầng Kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã đồng tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả đánh giá thực trạng phát triển chiếu sáng đô thị quốc gia và tập huấn cơ sở dữ liệu chiếu sáng đô thị.
Tính đến năm 2023, Việt Nam có hơn 2 triệu đèn chiếu sáng, trong đó hơn 40% là đèn LED, với tổng chiều dài hệ thống chiếu sáng đạt khoảng 98 nghìn km và công suất lắp đặt 217 MW. Việc chuyển đổi sang sử dụng đèn LED và áp dụng các công nghệ chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng có tiềm năng giúp Việt Nam tiết kiệm 3,5 triệu MWh điện năng, tương đương 8 nghìn tỷ đồng và 2 triệu tấn CO2 trong giai đoạn từ 2024 đến 2030.
Hệ thống chiếu sáng đô thị cần được nâng cấp
Bà Đặng Anh Thư - Phó cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật - cho biết: “Lợi ích trước mắt của việc nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị bao gồm giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng, dẫn đến giảm hoá đơn tiền điện và lượng khí thải carbon liên quan. Để thực hiện mục tiêu cải thiện lĩnh vực chiếu sáng đô thị theo chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm giảm 30% điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023 - 2025 và lắp đặt 100% đèn LED vào năm 2025, cần đặt ra các yêu cầu và giải pháp thực hiện cụ thể”.
Ông Nguyễn Đức Trung Kiên – Chuyên gia chính sách (VETS) cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư của chương trình đầu tư quốc gia về phát triển chiếu sáng đô thị (2026-2030) dự kiến khoảng 51.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn vốn được phân bổ: 15-20% vốn ngân sách, 60% nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, 20-25% nguồn vốn đầu tư theo mô hình ESCO (mời các công ty dịch vụ năng lượng, quỹ đầu tư tham gia đầu tư).
Bà Nguyễn Thị Như Vân - chuyên gia hiệu quả năng lượng và cơ sở dữ liệu - đánh giá: “Đa số các đô thị loại đặc biệt, I, II, III, IV có tỷ lệ chiều dài đường phố được chiếu sáng cao do hệ thống chiếu sáng cơ bản đã hoàn chỉnh. Còn khá nhiều đô thị loại V ở vùng sâu, vùng xa hệ thống đường phố còn chưa hoàn thiện vì vậy hệ thống chiếu sáng công cộng thô sơ, chủ yếu sử dụng đèn tự phát của người dân…”.
“Hầu hết địa phương có đèn chiếu sáng và cáp được lắp đặt trên trụ điện lực dẫn đến độ cao của đèn và khoảng cách bố trí của trụ điện không giống nhau vì vậy chưa đảm bảo chất lượng chiếu sáng theo quy định. Ngoài ra, tại nhiều địa phương đèn đường do tuổi thọ đèn cao dẫn đến giảm hiệu suất, cây xanh che khuất, thiết kế không đạt yêu cầu”, chuyên gia Nguyễn Thị Như Vân cho biết.
Thời gian qua, các nghiên cứu trường hợp toàn cầu đã chứng minh hiệu quả năng lượng là một phương pháp hiệu quả để giảm chi phí năng lượng và vận hành, nâng cấp cơ sở hạ tầng công cộng, chi phí vốn đầu tư cao cho các công nghệ tiết kiệm năng lượng được bù đắp bằng việc giảm chi phí năng lượng và O&M trong suốt thời gian của dự án và các biện pháp can thiệp EE giúp giảm phát thải từ đó hỗ trợ các mục tiêu giảm phát thải.
Về nguồn tài chính truyền thống đối với các khoản tài trợ, trợ cấp từ ngân sách nhà nước và các khoản vay có bảo lãnh chính phủ, bao gồm hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã có những lợi thế nhất định vì đã phát triển khung pháp lý trong các nguồn đầu tư truyền thống và phổ biến với các dự án cơ sở hạ tầng công cộng, chiếu sáng đô thị có thể phải đối mặt với nhu cầu cạnh tranh về phân bổ ngân sách.
Ông Vũ Quang Đăng - Chuyên gia tư vấn năng lượng quốc gia của ADB đánh giá: Hiệu quả năng lượng là một phương pháp hiệu quả để giảm chi phí năng lượng và vận hành, nâng cấp cơ sở hạ tầng công cộng.
Chi phí vốn đầu tư cao cho các công nghệ tiết kiệm năng lượng sẽ được bù đắp bằng việc giảm chi phí năng lượng và O&M (giảm chi phí vận hành và bảo trì) trong suốt thời gian của dự án. Ngoài ra việc này cũng giúp giảm phát thải thông qua các biện pháp can thiệp EE (mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050).