Lan Anh ·
3 năm trước
 2383

Nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng, giải pháp nào để đề phòng cháy rừng trên cả nước?

Nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng. Nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Vậy giải pháp nào để đề phòng cháy rừng trên cả nước?

Thời gian qua, nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng. Nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Một số vụ cháy rừng đã xảy ra tại các địa phương như: Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế... gây thiệt hại về rừng, môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Đặc biệt, tại Nghệ An đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng tại các huyện Diễn Châu, Thanh Chương và xã Quỳnh Lập. Cụ thể, vụ cháy xảy ra vào khoảng 14h ngày 30/5 tại khu vực xóm 4 mới, xã Diễn Lộc (huyện Diễn Châu). Nhận được tin báo từ người dân, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại địa phương, đồng thời có sự hỗ trợ của Công an huyện Diễn Châu đã kịp thời có mặt để khống chế dập lửa. 

cháy rừng

Còn tại khu vực núi Nguộc (xóm 4, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) cũng xảy ra vụ cháy lớn vào khoảng 14h cùng ngày. Khu vực rừng bị cháy chủ yếu gồm các cây thông sản xuất do người dân trồng. Tuy nhiên, số lượng cây không nhiều, các loại bị cháy chủ yếu là thực bì. 

Tại thời điểm xảy ra cháy, thời tiết nắng nóng, nền nhiệt độ rất cao nên lửa lây lan nhanh. Sau nhiều giờ nỗ lực chữa cháy, lực lượng chức năng đã khống chế được các đám cháy, không để lây lan sang những diện tích rừng khác.

Theo ông Lê Văn Gọi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, nắng nóng gay gắt sẽ làm tăng quá trình khô kiệt của vật liệu cháy, làm nóng và khô nhanh mặt đất khiến nguồn vật liệu cháy tích tụ trong rừng rất dễ bắt lửa. Do đó, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức cực kỳ nguy hiểm trong suốt mùa khô.

Cháy rừng sẽ hủy diệt toàn bộ thực vật, sinh vật, vi sinh vật, làm thay đổi hoàn toàn tính chất lý, hóa của đất trên diện tích bị cháy. Việc phục hồi hệ sinh thái rừng như trạng thái ban đầu là rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Vì vậy, công tác phòng, chống cháy rừng luôn luôn cần được xem trọng. 

Bởi vậy, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra, ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có Công điện số 3249/CĐ-BNN-TCLN gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ cấp bách về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo đó, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.

Đồng thời, có phương án và sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước khi có cháy rừng xảy ra; chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; cấm các hoạt động sử dụng lửa gây nguy cơ cháy rừng.