TM ·
2 năm trước
 3927

Nạo vét sông Gò Gia: Công ty Hoàng Minh lợi dụng dự án tận thu cát

Trong quá trình thực hiện nạo vét sông Gò Gia, Công ty Hoàng Minh khai thác cát vượt độ sâu cho phép và ngoài phạm vi cấp phép, gây hậu quả và thiệt hại lớn, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên.

Cục Hàng hải Việt Nam cam kết gì với Bộ GTVT?

Như Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã đề cập trong bài trước về những vấn đề liên quan đến dự án xã hội hoá nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia (huyện Cần Giờ, TP.HCM) do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Hoàng Minh (Công ty Hoàng Minh; trụ sở tại TP.HCM) thực hiện có nhiều sai phạm. Dự án này từng được cảnh báo về vấn đề nguy cơ tác động xấu tới môi trường, chậm tiến độ vào năm 2017, nhưng sau đó, Công ty Hoàng Minh vẫn tiếp tục xin gia hạn và có được sự cam kết của Cục Hàng hải Việt Nam với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Dự án xã hội hoá nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia có 11 bến phao được đầu tư xây dựng nằm rải rác đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu đến ngã ba sông Thị Vải, chiều dài khoảng 7 km, theo hình thức tận thu bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước. Dự án đảm bảo cho tàu từ 30.000 - 150.000 tấn neo đậu.

Nạo vét sông Gò Gia: Công ty Hoàng Minh lợi dụng dự án tận thu cát - Ảnh 1
Trụ sở Công ty Hoàng Minh.

Ngày 26/2/2016, Bộ GTVT có công văn số 1891/BGTVT-KCHT chấp thuận chủ trương lựa chọn Công ty Hoàng Minh thực hiện dự án. Dự án này do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, Công ty Hoàng Minh là đơn vị công thực hiện nạo vét 8 bến phao (BP1, BP2, BP3, BP4, BP8, BP9, BPI0, BPll) theo hợp đồng số 19/2016/HĐNV-XHH ngày 19/4/2016 và phụ lục hợp đồng số 04/PLHĐ ngày 15/7/2019. Dự án thi công từ tháng 5/2016 đến quý 1/2017 hoàn thành.

Theo thông tin trên tờ Thanh niên từng phản ánh vào năm 2017, để tránh trường hợp lợi dụng dự án này khai thác cát trái phép, ngày 26/2/2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chỉ đạo: “Cục Hàng hải có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu việc thực hiện nạo vét tại phạm vi các bến phao, không nạo vét ngoài phạm vi bến phao (mỗi bến phao đều có diện tích cụ thể trung bình từ 6 - 10 ha thì chỉ được phép nạo vét trong phạm vi này)... không để nhà đầu tư lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét khai thác trái phép”.

Đến đầu năm 2017, chủ đầu tư xin gia hạn tiến độ thi công đến ngày 31/12/2017 hoàn thành. Sau đó, Bộ GTVT có công văn chấp thuận.

Trong nội dung đề nghị Bộ GTVT xem xét giải quyết đề xuất xin gia hạn, Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định với Bộ, nếu được chấp thuận, Cục sẽ yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc việc thi công đúng phạm vi, vị trí, chuẩn tắc thiết kế; chỉ cấp phép thi công ban ngày, không được thi công ban đêm; chỉ chấp thuận thi công bằng tàu hút bụng hoặc xáng cạp, không sử dụng sà lan xả đáy, phương tiện nạo vét có ống hút, thiết bị sàng lọc cát; toàn bộ sản phẩm nạo vét được tận thu, không đổ thải xuống sông...

Chỉ tận thu khai thác cát, không làm đúng cam kết

Cục Hàng hải Việt Nam từng cam kết với Bộ GTVT ở dự án xã hội hoá nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia là thế, nhưng theo Công văn số 1309/UBND-ĐT ngày 29/4/2021 của UBND TP.HCM gửi Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam thể hiện: Kết quả ghi nhận từ khi thi công dự án đến nay không phát sinh bùn đất mang đi đổ. Tài liệu phản ánh Công ty Hoàng Minh chỉ tập trung khát thác tận thu cát, bùn thải không được xử lý như cam kết của dự án.

Nạo vét sông Gò Gia: Công ty Hoàng Minh lợi dụng dự án tận thu cát - Ảnh 2
Hình ảnh các tàu thi công dự án nạo vét sông Gò Gia do Công ty Hoàng Minh thực hiện được ghi lại vào năm 2017.

Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã triển khai thực hiện 36 điểm quan trắc để giám sát dự án, theo dõi sạt lở đường bờ dọc theo tuyến sông Gò Gia và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trong phạm vi rừng phòng hộ. Kết quả theo dõi tại khu vực thực hiện dự án từ năm 2017 đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ ghi nhận có 30/36 điểm có mức độ sạt lở đất rừng từ 0,4 – 5,9 m và ghi nhận có 544 cây Đước bị thiệt hại.

Trong đó, năm 2019, sạt lở bình quân 0,9 m và năm 2020 là 1,7 m. Qua theo dõi cho thấy tình hình sạt lở diễn ra cục bộ tại từng khu vực theo các thời điểm khác nhau và mức độ sạt lở năm sau cao hơn năm trước đã ảnh hưởng đến diện tích rừng và đất rừng phòng hộ cần giờ.

Ngoài ra, đơn vị giám sát dự án là người nhà của Giám đốc Công ty Hoàng Minh, không đảm bảo các quy định của Bộ GTVT; Công ty Hoàng Minh chuyển nhượng dự án, vi phạm nội dung hợp đồng; Khai thác tận thu cát ngoài phạm vi và vượt độ sâu thiết kế ở nhiều bến phao…

Không những thế, dự án còn chậm tiến độ. Dự án bắt đầu thi công từ tháng 5/2016, đến nay đã gia hạn 5 lần với thời hạn thi công cuối cùng đến hết ngày 31/12/2021. Nhưng đến tháng 4/2021, dự án mới chỉ bàn giao được 3 bến phao, còn chỉ bàn giao được 3 bến phao.

Khối lượng thi công trung bình hàng tháng rất ít, khoảng 20.500 m3/tháng so với khối lượng cam kết khi ký hợp đồng là 307.572 m3/tháng. Vì thế, dự án không đảm bảo mục tiêu phục vụ cho các phương tiện tàu bè chuyển tải than đá cho các nhà máy nhiệt điện khu vực ĐBSCL được đưa vào khai thác trong quý 2/2017 như trong nội dung Công văn số 1891/BGTVT-KCHT của Bộ GTVT.

Nạo vét sông Gò Gia: Công ty Hoàng Minh lợi dụng dự án tận thu cát - Ảnh 3
Nạo vét sông Gò Gia: Công ty Hoàng Minh lợi dụng dự án tận thu cát - Ảnh 4
Theo UBND TP.HCM, Công ty Hoàng Minh chỉ tận thu cát khi thi công dự án nạo vét sông Gò Gia mà không thực hiện theo cam kết hợp đồng đã ký.

Quá trình thi công dự án, Công ty Hoàng Minh có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Để hợp thức việc khai thác cát trái phép, Công ty Hoàng Minh đã kê khai sai, giảm số tiền thuế phải nộp cho nhà nước, có dấu hiệu trốn thuế.

Dấu hiệu vi phạm của Công ty Hoàng Minh kéo dài, tác động dẫn đến sạt lở đất và rừng phòng hộ Cần Giờ, gây thất thoát tài nguyên và tiền thuế cho nhà nước. Nhân dân và chính quyền địa phương bức xúc, nhiều lần kiến nghị, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, cần phải kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

UBND TP.HCM đã thành lập Đoàn công tác và tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản trong quá trình triển khai thực hiện thi công dự án của Công ty Hoàng Minh.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị, gồm: Cục Hàng hải Việt Nam, Cục vụ Hàng hải TP.HCM cử đại diện phối hợp với Đoàn công tác để tiến hành việc thi công dự án của Công ty Hoàng Minh theo đúng quy định pháp luật.

Trong vòng chưa đầy 18 tháng, từ ngày 19/3/2019 đến ngày 6/8/2020 xảy ra 3 vụ chìm sà lan nằm trong khu vực dự án xã hội hoá nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia do Công ty Hoàng Minh thực hiện.

Công tác khám nghiệm hiện trường cả 3 vụ việc này của cơ quan chức năng TP.HCM cho thấy đều nằm trong phạm vi bị khai thác vượt độ sâu thiết kế.

Ngọc Khánh

Nguồn: Kinh tế Môi trường