Hằng Hồ ·
2 năm trước
 1316

Nền kinh tế còn khó khăn vẫn cần phải "bơm máu"

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bức tranh của doanh nghiệp mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cũng có sự bào mòn sức lực, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn…

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua, Việt Nam có xu hướng tăng trưởng cao và lạm phát thấp, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Đánh giá tình hình thế giới tiếp tục biến động rất nhanh, phức tạp, khó dự báo Thủ tướng và các đại biểu cho rằng tác động, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia, trong đó có Việt Nam là rất lớn và sâu sắc trên nhiều mặt.

“Chúng ta phải giữ vững bình tĩnh, đánh giá đúng nội lực để tự tin, chủ động, không lơ là, chủ quan, trong điều hành thì chuyển trạng thái không giật cục, không nới lỏng quá cũng không siết chặt; những gì được thực hiện hiệu quả, được thực tế chứng minh là đúng thì tiếp tục thực hiện, kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc nhưng linh hoạt trong các vấn đề cụ thể”, Thủ tướng nói.

Doanh nghiệp vẫn "khát" vốn

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tổng thể nền kinh tế vĩ mô của chúng ta tốt, tăng trưởng tốt. “Báo cáo của Chính phủ cho thấy bức tranh của doanh nghiệp mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cũng có sự bào mòn sức lực của các doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn… Có nghĩa là vẫn đang tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại”, ông Thiên lo ngại.

"Về tổng thể, chúng ta giữ được mạch của nền kinh tế thế giới. Tôi cho rằng điểm này rất quan trọng vì nếu không giữ được mạch của nền kinh tế thế giới thì xuất nhập khẩu và FDI – hai động lực quan trọng nhất của tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ không giữ được", ông Trần Đình Thiên nói và bình luận thêm rằng sẽ còn tốt hơn nữa nếu phần đầu tư công "bơm máu" ra được cho nền kinh tế. Nếu đầu tư công "bơm máu" chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

GS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ giúp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế. "Đây là bài học cực kỳ quan trọng, Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục "bơm máu" cho nền kinh tế".

Trong dài hạn, PGS.TS Trần Đình Thiên khuyến nghị cần đánh giá tính bất định, bất trắc cao hơn. Do đó, Chính phủ cần quan sát sâu hơn vấn đề của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như thị trường bất động sản đang không phục hồi được, hạn hán nhiều...

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới gặp khó khăn, ông Thiên cho rằng không nên chỉ nhìn khía cạnh gay go mà ở cả khía cạnh tích cực, để có chính sách hỗ trợ các khu vực có thể giúp cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn.

Cuối cùng, vị chuyên gia nhấn mạnh không chỉ nên lo tăng trưởng mà đối với nền kinh tế Việt Nam cần chú ý đến yếu tố nợ xấu.

"Bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào nợ xấu. Không bơm tiền chưa chắc đã giảm nợ xấu. Nếu chúng ta bơm tiền ra đúng đối tượng, cho những doanh nghiệp tốt, dự án tốt thì vẫn xử lý giúp cho ngành ngân hàng trong điều kiện hiện nay", ông Thiên nói.

3 động lực tăng trưởng cần nhìn nhận

Theo TS. Võ Trí Thành, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô phải đi cùng với đảm bảo an sinh xã hội, và lựa chọn của chúng ta là lựa chọn cả 3 chứ không phải hy sinh cái này để chọn cái kia.

Ta phải nhìn nhận lại cả 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu. Cuối năm nay và năm 2023 động lực cho xuất khẩu sẽ phải suy gỉam đáng kể. Do đó việc đa dạng hóa thị trường hay mở rộng thị trường sẽ là giải pháp quan trọng. Ví dụ như Hiệp định EVFTA thì thị trường chính của chúng ta vẫn là các thị trường cũ, do đó ngay trong EVFTA thì ta có thể mở rộng thêm thị trường và tham gia sâu hơn.

Về đầu tư, ông Thành hi vọng trong năm nay và năm sau, đầu tư công là khâu quyết định chiếm 1/3 tổng đầu tư xã hội cả năm, hiện đang giải ngân rất chậm thì đầu tư công sẽ là cú huých cho cả năm sau.

Về kinh tế vĩ mô, chuyên gia này rằng nên thận trọng với cung tiền. “Tôi nghĩ rằng với tốc độ tăng tín dụng, giả sử năm nay là 14% thì năm sau cũng là 14% thì đây là con số không thấp. Vấn đề nợ xấu không trừ hẳn đi, vấn đề tăng vốn cho ngân hàng thương mại, tỉ lệ tín dụng trên GDP chưa kể áp lực ngắn hạn đối với tỉ giá, ta không muốn làm cho tỉ giá mất giá nhiều. Chưa kể những áp lực về lãi suất, lãi suất không thể tăng quá mức”, ông Thành phân tích.

Do đó, theo vị này cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để phát hành trái phiếu là vấn đề quan trọng.

Cuối cùng là linh hoạt trong mức tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vào bất động sản đặc biệt là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội…

Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn, ở đây không có nghĩa là tháng 3 năm nay so với tháng 3 năm sau cũng phải tăng 14%, có thể có tháng lên, tháng xuống cần theo chu kỳ sản xuất của các nhóm mặt hàng quan trọng là con số tổng thể cả năm.

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cho rằng, 8 tháng xuất khẩu tăng 17%, nhưng trong 4 tháng còn lại nhu cầu các nước thị trường chính của Việt Nam đều rất gay go, suy thoái. Điều này đặt ra bài toán cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Bộ Công Thương cần nghiên cứu tác động chỗ đó như thế nào.

“Về chính sách tiền tệ, chúng ta neo tỷ giá, nhưng trước việc tăng lãi suất của FED, ECB, chúng ta neo tỷ giá như vậy thì tác động đến xuất nhập khẩu, đồng vốn như thế nào? Ông Cao Viết Sinh đề nghị NHNN nghiên cứu vấn đề này”, ông Sinh nêu.

Về dự thảo chỉ thị, ông Sinh cho rằng, nếu xây dựng chỉ thị cho 4 tháng cuối năm thì ngắn quá, nên chăng kéo dài quý I/2023. Về mục tiêu trong chỉ thị, chúng tôi đồng tình dự thảo chỉ tiêu phấn đấu cả năm nay trên 7,5%. Quý III chúng ta tăng trưởng cao, quý III năm ngoái chúng ta âm 6,02%. Quý III năm nay có thể tăng trưởng trên 10%. Quý IV có thể tăng trên 7,5%, nên chúng tôi ủng hộ đặt vượt mục tiêu 7,5%. Nên chăng đặt mục tiêu cho Quý I/2023, có kế thừa phấn đấu cho năm tới.