Sáng 10/4, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tổ chức Lễ ra mắt Giải golf Kinh tế Môi trường vì cộng đồng năm 2024. Theo đó, giải đấu được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (20/10/2000 – 20/10/2025) và 20 thành lập Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Lễ ra mắt Giải golf Kinh tế Môi trường vì cộng đồng diễn ra ngày vào ngày 10/4 vừa qua.
Bộ Cup gốm của Giải Nhất - Nhì - Ba các bảng đấu.
Theo Ban tổ chức, Giải đấu dự kiến quy tụ hơn 200 golfer là cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trên trong và ngoài nước có các hoạt động vì môi trường. Qua giải đấu, Ban tổ chức mong muốn chung tay đóng góp cho những hoạt động cộng đồng, phát triển các phong trào golf tại Việt Nam; phát đi thông điệp chung tay bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững.
Đêm Gala tổ chức vào tối 21/4/2024 tại Nhà hàng sân Hilltop Valley Golf Club (Phường Kỳ Sơn, TP.Hòa Bình), BTC sẽ trao giải là những Cup gốm đặc biệt được chế tác bởi các nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm).
BTC sẽ trao 21 Cup Gốm cho các Golfer có thành tích cao tại giải đấu.
Theo đại diện BTC, việc sử dụng Cup làm bằng gốm là một sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật gốm sứ truyền thống và công nghệ hiện đại, mang đến cho người chiến thắng một vật phẩm đầy ý nghĩa và có giá trị sử dụng. Những chiếc cúp gốm là biểu tượng của tinh thần dân tộc, khát khao chiến thắng được họa tiết bởi hình tượng con rồng thời nhà Mạc, cúp gốm thể hiện văn hoá đậm đà bản sắc Việt Nam.
Chiếc Cup được gửi gắm trong đó tinh thần khát khao chiến thắng, sự bền bỉ kiên trì, sức mạnh, ý chí, không chỉ trong thể thao, mà còn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống qua hình tượng con rồng.
Đồng thời, thể hiện thông điệp, tầm vóc của Giải golf Kinh tế Môi trường, lan tỏa những giá trị văn hóa con người đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Trong bộ cúp của giải năm nay, Ban tổ chức đã kết hợp với nghệ nhân Bùi Thanh Tùng đưa ra ý tưởng riêng cho những chiếc cúp ở hạng mục giải cao nhất.
Chia sẻ với PV, Nghệ nhân Hà Nội Bùi Thanh Tùng (Bát Tràng- Gia Lâm) cho biết, sau khi nhận được lời đề nghị của BTC Giải golf Kinh tế Môi trường vì Cộng đồng chế tác một bộ cup bằng gốm để trao thưởng cho những Golfer đạt thành tích cao trong giải đấu, các nghệ nhân đã bắt tay ngay vào việc lên ý tưởng cho bộ sản phẩm cup này.
Các nghệ nhân đã phải phác thảo hàng trăm bản phác thảo với suy nghĩ vừa mang giá trị văn hóa, vừa mang được giá trị nhân văn, thể hiện được chất liệu truyền thống cũng như những nét tinh tế của dòng gốm sứ Bát Tràng vào từng chiếc cup.
Cũng theo Nghệ nhân Bùi Thanh Tùng, ngay sau khi lựa chọn nguyên liệu đầu vào, đất được tôi luyện kỹ càng trước khi được đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân nhào nặn tạo nên những tác phẩm độc nhất vô nhị.
Nghệ nhân Hà Nội Bùi Thanh Tùng kiểm tra 1 chiếc cup trong bộ Cup Gốm của Giải golf Kinh tế Môi trường Vì cộng đồng năm 2024.
Để làm được chiếp cup gốm, đòi hỏi người nghệ nhân phải thật tỉ mỉ và chi tiết từng khâu, mục đích là để tạo ra những đường cong mềm mại mà vẫn đặc biệt vững chắc.
Chiếc cúp được phủ một lớp men đặc trưng của lò gốm Tùng Thảo và thiên hướng sự tinh tế sang trọng kết hợp với một lớp vàng ở những điểm nhấn trên chiếc cúp. Màu sắc đặc biệt này đã tạo nên thương hiệu của Gốm Tùng trong nhiều năm qua tại làng gốm Bát Tràng.
Ngoài chiếc cúp chính, các giải thưởng khác cũng đều là cúp gốm tương đồng. Những chiếc cúp là kết quả của sự sáng tạo và tâm huyết của đội ngũ nghệ nhân gốm tùng, nhằm mang đến cho người chiến thắng một món quà đáng nhớ sau khi được cầm trên tay.
Theo nghệ nhân Bùi Thanh Tùng, làm gốm vuốt tay đòi hỏi người nghệ nhân phải thật sự đam mê, nhiệt huyết thậm chí là phải có một sức khỏe bền bỉ không ngừng nghỉ với nghề gốm, bỏ qua tất cả sự hào nhoáng và các cơ hội phát triển khác, không quan tâm đến giá trị thương mại của sản phẩm mà chỉ một lòng sáng tạo, tìm tòi ra những kiểu dáng, chất men mới. Các sản phẩm gốm vuốt tay được thoát khỏi những sự ràng buộc về khuôn đúc, những yêu cầu về số lượng và kiểu dáng. Người nghệ nhân được thỏa sức sáng tạo, thỏa sức theo đuổi đam mê vuốt nặn theo những ý tưởng của bản thân - những ý tưởng mà có khi chỉ đến một cách rất tình cờ. |