Tại nghị quyết mới ban hành, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 được Chính phủ đánh giá đang tiếp tục chuyến biến tích cực. Tuy nhiên do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu... bị ảnh hưởng.
Được biết, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thanh khoản, dòng tiền, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản...
Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 19,3%, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo thời gian tới, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là trong quý I và đầu năm 2023.
Do vậy, bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố được Chính phủ yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
Các bộ, ngành được Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Bộ Tài chính được yêu cầu sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10/2/2023.
Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023. Đồng thời, chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" theo đúng quy định pháp luật nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.Cùng với đó bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành tỷ giá phù hợp, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Bên cạnh đó, phải điều hành được tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03 ngày 27/1/2023.
Không dừng lại ở đó, Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Trước ngày 15/2/2023, Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải được chuẩn bị, báo cáo Thủ tướng.
Vào sáng ngày 8/2, Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sẽ được Ngân hàng Nhà nước tổ chức.
Bất động sản là ngành có quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm và đang đóng góp 11% GDP. Thế nhưng thời gian qua, thị trường này gặp không ít khó khăn khi dòng vốn tín dụng bị siết lại, cung dư thừa so với nhu cầu và thị trường còn thiếu minh bạch... Từ đó khiến giao dịch bất động sản giảm, nhiều dự án ngưng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn.