Bích Ngọc ·
2 năm trước
 2243

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng trước việc nhiều khách hàng "đổ xô" rút tiền tại Ngân hàng SCB

Trước thông tin tiêu cực lan truyền trên mạng xã hội về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng nhiều người dân rút tiền trước hạn, NHNN đã lên tiếng khẳng định sẽ có giải pháp, chính sách để đảm bảo quyền cho khách hàng

Người dân không nên rút tiền trước hạn

Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tin liên quan hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Cụ thể, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết ngày 7/10, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng SCB dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.

Về việc này, NHNN khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để đảm bảo SCB hoạt động bình thường, đồng thời có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Cơ quan quản lý tiền tệ cũng khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.

Ngày 8/10, nhiều người dân đứng chờ để rút tiền tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). 

Liên quan hoạt động của SCB, trong thời gian gần đây, nhà băng này liên tục ghi nhận xáo trộn trong danh sách nhân sự ban điều hành.

Cụ thể, ngày 12/8, SCB đã miễn nhiệm chức danh quyền Tổng Giám đốc của ông Trương Hoàng Khánh và bổ nhiệm ông Diệp Bảo Châu làm Phó Tổng giám đốc phụ trách.

Tới ngày 30/8, ngân hàng này bổ nhiệm ông Trương Ngọc Lũy vào vị trí Phó Tổng giám đốc.

Đến ngày 15/9, SCB tiếp tục có thay đổi khi miễn nhiệm bà Trần Thị Mỹ Dung khỏi vị trí Phó Tổng giám đốc để giao nhiệm vụ mới theo phân công của HĐQT SCB. Cùng ngày, nhà băng cũng bổ nhiệm bà Nguyễn Kim Hằng làm kế toán trưởng.

Cũng trong tháng 9, SCB còn liên tiếp bổ nhiệm thêm 3 Phó Tổng giám đốc khác bao gồm ông Bùi Nhân, ông Hoàng Minh Hoàn và bà Đặng Thị Bảo Châu.

Mới nhất, SCB tiếp tục bổ nhiệm thêm một Phó Tổng giám đốc là ông Đoàn Trung Kiên vào ngày 4/10. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, nhà băng này đã liên tiếp bổ nhiệm tới 7 thành viên trong ban điều hành, bao gồm 6 Phó Tổng giám đốc và một kế toán trưởng.

Chủ sở hữu Chứng khoán Tân Việt có liên quan gì với SCB?

Trước đó, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã qua đời đêm 6/10.

Không chỉ là người đứng đầu của Chứng khoán Tân Việt, từ năm 2017, ông Thành cũng đảm nhiệm vị trí thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Trong quá trình hoạt động, Chứng khoán Tân Việt và SCB có nhiều mối quan hệ hợp tác với nhau.

Ngày 9/3/2022, Ngân hàng Sài Gòn đã ký thỏa thuận hợp tác với CTCP Quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM) trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ sản phẩm, nhằm khai thác tối ưu mọi tiềm năng, tạo hiệu quả kinh doanh, tăng vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường liên quan của hai bên.

Theo đó, SCB sẽ xem TVFM là đối tác ưu tiên trong việc thực hiện các nghiệp vụ đầu tư, ủy thác đầu tư và quản lý tài sản cho SCB và Khách hàng của SCB.

Cùng ngày, TVFM cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Chứng khoán Tân Việt (TVSI) hợp tác bán chéo đối với các sản phẩm truyền thống của TVFM. Các sản phẩm bao gồm: Chứng chỉ quỹ đại chúng như Chứng chỉ quỹ mở đầu tư cổ phiếu, Chứng chỉ quỹ mở đầu tư trái phiếu…; sản phẩm Ủy thác đầu tư bằng tiền mặt cho khách hàng ưu tiên/cao cấp.

Trên thị trường, Chứng khoán Tân Việt và SCB cũng cùng tham gia hoạt động phát hành các lô trái phiếu của nhiều doanh nghiệp. Trong đó Chứng khoán Tân Việt giữ vai trò tư vấn phát hành, còn SCB bảo lãnh thanh toán.

Khách hàng vẫn được đảm bảo quyền lợi khi Ngân hàng có sự cố

Tình trạng một số người dân lo lắng rút tiền gửi trước hạn khi có những thông tin tiêu cực liên quan đến nhân sự đã nhiều lần xảy ra ở nước ta song đến nay, tất cả các ngân hàng có lãnh đạo bị khởi tố đều hoạt động bình thường, quyền lợi của người dân được bảo đảm.

Cụ thể, năm 2014, trong ngày đầu tiên cơ quan cảnh sát điều tra thông tin lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh – cũng là nhân sự chủ chốt của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) – bị bắt, VNCB đã bị rút khoảng 1.000 tỷ đồng và tiếp tục bị rút ra trong ngày kế tiếp, song khối lượng đã giảm xuống 50%.

Trước đó, vào 21/8/2012, khi có thông tin liên quan đến “bầu Kiên”, người dân cũng ồ ạt rút tiền trước hạn tại ngân hàng này. Sau đó, lãnh đạo ACB cho biết, đỉnh điểm của sự cố là lượng tiền rút ra trong một ngày tới khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tình trạng người dân rút tiền trước hạn cũng xảy ra tại một số ngân hàng khác. Tuy nhiên, tất cả ngân hàng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước đều thanh toán đầy đủ cho người dân. Tại nhiều ngân hàng, người dân sau vài ngày rút tiền đã đem tiền đến chính ngân hàng đó gửi lại.

Với các trường hợp trên, Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần khuyến cáo người dân không nên rút tiền trước hạn để tránh thiệt thòi, Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát, hỗ trợ các ngân hàng hoạt động ổn định, đảm bảo sự an toàn của cả hệ thống các tổ chức tín dụng.