“Cứ mưa là ngập” do đâu?
Nút giao Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng xảy ra tình trạng ngập úng do mưa bão ngày 12/8. (ảnh: Thế Hiệp)
Trong những năm vừa qua, thủ đô Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng ngập lụt, phố biến thành sông sau những trận mưa lớn. Việc ngập lụt trên nhiều tuyến phố khiến nhiều xe máy, ôtô hư hỏng, gây ảnh hưởng và xáo trộn đáng kể đời sống người dân. Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đớt, sáng ngày 12/8 đã xảy ra mới lớn tại Thủ đô Hà Nội khiến nhiều tuyến đường bị ngập lụt dẫn đến ùn ứ, tắc nghẽn, các phương tiện nghịch từng centimet, nhiều phương tiện như ô tô, xe máy bị chết máy, thiệt hại nặng nề.
Chị Đào Hà (Đình Thôn - Mỹ Đình) chia sẻ:“Tôi cảm thấy ám ảnh mỗi khi trời mưa, vì khu tôi sống luôn bị ngập úng, phải mất ít nhất 3 tiếng nước mới có thể rút. Tôi không thể di chuyển bình thường để đưa con đi học và tới cơ quan được. Con tôi thì muộn học, tôi thì muộn làm. Mỗi lần mưa lớn là cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn".
Mưa bão kéo dài như vậy có lẽ phải kể đến nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu phức tạp, những trận mưa lớn, bất thường, trái mùa không theo quy luật ập xuống bất ngờ, hàng chục năm qua mới diễn ra một lần. Một nguyên nhân nữa là do hiện nay, Hà Nội đang thiếu các hồ điều hòa để phân chia nước, giảm áp lực cho hệ thống đường ống. Bên cạnh đó, mật độ các miệng cống hút nước từ mặt đường xuống cống ngầm còn chưa cao, trình trạng rác thác lấp miệng cống làm cho việc thoát nước không được hiệu quả. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận nguyên nhân sâu sa hơn nữa đó chính là việc san lấp mặt bằng ao, hồ làm khu đô thị mới dẫn tới vấn nạn ngập lụt và ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Diện tích ao hồ bị thu hẹp đã làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa của đô thị, khiến tình trạng ngập úng lan rộng. Đến nay người dân Hà Nội quen với cảnh "cứ mưa là lụt".
Anh Trung Dũng trú tại Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày trước, mỗi khi trời mưa, khu Hạ Đình này không bị ngập quá bánh xe vì nước mưa trút xuống là hệ thống thoát nước hồ Hạ Đình lại được hoạt động. Nhưng đến nay cứ hễ mưa là ngập, là lụt do diện tích hồ bị thu hẹp không còn sức chứa như xưa”.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Dù có diện tích mặt nước lớn nhưng trong những năm qua, Hà Nội đã lấp đi quá nhiều ao hồ tự nhiên trong khi hồ đã hình thành tự nhiên thì sẽ có chức năng điều hòa nguồn nước, tạo cảnh quan. Vì thế, không nên vì lợi ích trước mắt mà lấp hồ, bởi hệ quả của việc lấp hồ sẽ gây ra những biến động của thiên nhiên ngay lập tức như: Ngập lụt, ô nhiễm, giảm lượng nước ngầm đột ngột".
Quá trình bê tông hoá diễn ra quá nhanh, bề mặt đất đai bị che phủ, san lấp ao hồ khiến cho hệ thống thoát nước của thủ đô bị đình trệ, dẫn tới tình trạng ngập úng như hiện nay. Do đó, cần có các giải pháp thiết thực để xử lý được tình trạng "mưa là ngập" như trên.
Giải pháp nào để Hà Nội hết ngập?
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã cố gắng khắc phục tình hình úng ngập bằng cách xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ. Mặc dù ngập lớn, nhưng có thể thấy chỉ sau 2 giờ đồng hồ sau mưa, nước đã rút, giao thông trở lại hoạt động. Đến nay hệ thống thoát nước Hà Nội đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đối với khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 thuộc địa bàn 8 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ. Điển hình là cụm công trình đầu mối Yên Sở bao gồm trạm bơm Yên Sở 90m3/s cùng hệ thống kênh mương, hồ điều hòa; với thiết kế cường độ mưa 310mm/2ngày cho toàn bộ hệ thống và 70mm/h đối với hệ thống cống. Trên địa bàn Hà Nội có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng-Lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ.
Thời gian qua, thành phố đã xóa bỏ 5 điểm úng ngập trong các năm 2020, 2021 tại Thanh Đàm; Trường Chinh; Giải Phóng; Đội Cấn; Phạm Văn Đồng. Cùng đó, 5 điểm đã giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50% so với các năm trước như Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp. Do thực hiện cải tạo hệ thống thoát nước và hoàn thành một số dự án cải thiện được tình hình thoát nước. Như vậy tính đến năm 2022, Hà Nội đã giải quyết 5/16 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính, 11 điểm còn lại thành phố đã có giải pháp thực hiện dần theo các dự án đã và đang xin chủ trương triển khai thực hiện. Các điểm ngập nhỏ lẻ khác, thời gian rút nước nhanh cũng đã bố trí ứng trực, giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập.
Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống thoát nước là điều tất yếu để xử lý việc ngập úng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhưng việc nghiên cứu và xác định nguyên nhân ngập lụt là do tình trạng lấp ao hồ cũng cần lưu tâm tới. Khi xác định đúng nguyên nhân và thấy được hệ quả thì cần có những giải pháp để giải quyết tình trạng ngập úng trên.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn Nguồn nước Việt Nam: "Ao, hồ là một phần không thể thiếu trong phát triển hạ tầng đô thị. Về chức năng, nhiệm vụ, ao, hồ đóng vai trò rất quan trọng trong điều hòa môi trường sống, góp phần tạo dựng nét đẹp cảnh quan, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, nhiều hồ nước còn có tác dụng giảm ngập úng cục bộ".
Hơn lúc nào hết, UBND TP.Hà Nội phải ưu tiên xử lý thực trạng san lấp ao, hồ bừa bãi, giữ gìn số lượng các ao, hồ còn lại. Đồng thời cải tạo, xử lý chất lượng hồ xanh sạch trở lại để làm tốt nhiệm vụ, chức năng điều hòa cùng với cây xanh trở thành “lá phổi xanh” của Thủ đô - PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh.