Long Mai ·
3 năm trước
 3686

Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone 16/9: Bảo vệ tầng ozone để bảo vệ khí hậu Trái Đất

Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone là sự kiện nhằm tăng cường sự hiểu biết về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng và toàn xã hội.

Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2021 với chủ đề “Nghị định thư Montreal: Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vaccine”, nhằm nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tầng ozone giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực làm mát, đảm bảo an ninh lương thực và bảo quản vaccine.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Cơ quan ozone khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhân dịp Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2021, Bộ TN&MT phát động cuộc thi sáng tác nghệ thuật trong nước và tham gia cuộc thi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Với chủ đề “Bảo vệ tầng ozone để bảo vệ khí hậu Trái Đất”, cuộc thi nhằm nêu bật mối liên hệ giữa việc bảo vệ tầng ozone và biến đổi khí hậu, ghi nhận những thành tựu đạt được của Nghị định thư Montreal trong nhiều năm qua. Đồng thời thông qua đó nâng cao nhận thức và tìm kiếm ủng hộ của cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) và loại trừ dần các chất HFC..

trái đất

Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2021 với chủ đề “Nghị định thư Montreal: Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vaccine".

Được biết, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone (Nghị định thư Montreal) là một trong những thỏa thuận quốc tế thành công nhất cho đến nay. Nỗ lực chung của cả thế giới trong việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone đã góp phần thu hẹp lỗ thủng tầng ozone, qua đó bảo vệ sức khỏe con người, duy trì sự ổn định kinh tế và các hệ sinh thái.

Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hàng năm là một sự kiện nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal; nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng và toàn xã hội. Trái Đất sẽ không có sự sống nếu không có ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu không có tầng ozone thì năng lượng phát ra từ mặt trời sẽ thiêu rụi sự sống trên Trái Đất. Nhờ có lớp ozone ở tầng bình lưu, Trái Đất được che chắn khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại từ mặt trời làm gia tăng tỉ lệ ung thư da, đục thủy tinh thể và làm hỏng cây trồng, hoa màu và hệ sinh thái.

Khoảng 1/3 tổng lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu cho con người bị thất thoát hoặc lãng phí mỗi năm, phần lớn là do không được tiếp cận với các chuỗi cung ứng lạnh. Lượng thực phẩm thất thoát và lãng phí lên tới hàng tỉ đô la Mỹ một năm, gây lãng phí tài nguyên quý giá như đất đai, nước và năng lượng, đồng thời ước tính tạo ra 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính mỗi năm trên toàn cầu.

Do đó, bằng cách phát triển các giải pháp về chuỗi cung ứng lạnh hiệu quả hơn, thân thiện hơn với khí hậu, chi phí đầu tư thấp và dễ vận hành, các chuỗi cung ứng lạnh sẽ trở nên hiệu quả và phổ biến rộng rãi. Điều này sẽ giúp cho người nông dân, các nhà cung cấp dược phẩm tiếp cận với các kho chứa làm lạnh sơ bộ, bảo quản lạnh và vận chuyển lạnh - đảm bảo các sản phẩm như thực phẩm và vaccine phòng chống dịch bệnh đến tay mọi người trong điều kiện an toàn và tốt nhất.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã chung tay nỗ lực bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone. Đặc biệt, một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ozone là việc luật hóa các quy định tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và quy định chi tiết tại các văn bản thi hành Luật dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo đó, Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone quy định đối tượng và các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm triển khai Nghị định thư Montreal tại Việt Nam đồng bộ và hiệu quả. 

Nguồn