Ngọc Khôi ·
2 năm trước
 2932

Ngày Quốc tế Không khí sạch 2021: Chung tay vì một ‘Hành tinh khỏe mạnh’

Năm 2021, Ngày Quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh được phát động với chủ đề “Không khí trong lành, Hành tinh khỏe mạnh”, nhấn mạnh tới tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Không khí sạch có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và đời sống hàng ngày của con người. Ô nhiễm không khí chính là mối đe dọa lớn nhất về môi trường đối với sức khỏe con người, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.

Vì vậy, ngày 7/9 được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh, ghi nhận tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy cải thiện chất lượng không khí. 

Theo Bộ TN&MT, thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như: TP.Hà Nội, TP.HCM ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và sức khỏe cộng đồng.

hà nội

Năm 2021, Ngày Quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh được phát động với chủ đề: “Không khí trong lành, Hành tinh khỏe mạnh”. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Nguyên nhân chính phát sinh bụi, khí thải gây tác động ô nhiễm không khí được xác định là từ hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, hiện tại Thành phố có hơn 770.000 xe ô tô, gần 5,8 triệu xe máy lưu thông hằng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua, trong đó có nhiều phương tiện cũ không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.Hà Nội.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nồng độ PM2.5 tại Hà Nội được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến năm 2030 với các chính sách về quản lý chất lượng không khí như hiện nay. 

Ngoài ra, theo ý kiến của PGS.TS Hoàng Anh Lê (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và một số địa phương thuộc Đồng bằng sông Hồng xảy ra là do người dân tại khu vực này thường đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch. Các chuyên gia phân tích, đốt rơm rạ sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO2 , CH4, CO, SO2 và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển. 

Do đó, để cải thiện chất lượng không khí, các chuyên gia môi trường cho rằng cần áp dụng những giải pháp khả thi như dùng những nguồn năng lượng sạch hơn, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng không gian xanh ở các khu đô thị, không đốt rơm rạ, hạn chế ra đường vào giờ cao điểm...

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đang phối hợp các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương tập trung rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Xây dựng, ban hành tiêu chí, chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường…

Bộ TN&MT nhấn mạnh, trong năm 2021 phải rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí. 

Cần tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả; kịp thời hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là các giải pháp hiệu quả bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế, giảm bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng công trình giao thông; hạn chế việc đốt các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch…

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí có liên quan tới 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Cũng theo số liệu của Liên Hợp Quốc, mỗi giờ có 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp 3 - 5 lần số người chết vì sốt xuất huyết và HIV.

Tại Việt Nam, với sự phát triển của một số lĩnh vực như công nghiệp, vận tải, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng và có tới 34.332 người tử vong sớm có liên quan tới ô nhiễm không khí. TP.Hà Nội và TP.HCM thường xuyên chìm trong khói bụi, mây mù, chất lượng không khí vượt ngưỡng nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mọi đối tượng, kể cả người khỏe mạnh.

Nguồn