Đã 46 năm trôi qua kể từ phút giây chiếc xe tăng của quân giải phóng xô tung cánh cửa Dinh Ðộc Lập và lá cờ giải phóng tung cánh trên bầu trời tháng 4. Khoảnh khắc đó đã in những dấu mốc vĩ đại vào lịch sử dân tộc: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, “Bắc Nam sum họp” và đất nước bước vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu: TTXVN
Nhớ phút giây đất nước thống nhất, lại bồi hồi xúc động. Những tổn thất, hy sinh, mất mát trong hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến là vô cùng to lớn. Máu đào của hàng triệu đồng bào, chiến sỹ đã đổ xuống. Hơn 9 ngàn nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ khắp dọc dài đất nước, từ phía Nam, ra Đông Trường Sơn, Quảng Trị đến các tỉnh, thành phố phía Bắc. Tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, lại càng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu đã đi xa chưa kịp nhìn thấy ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Ngắm bến Nhà Rồng và thành phố nơi Bến Nghé đã mang tên Người - Thành phố Hồ Chí Minh, hôm nay hiện đại, đỏ cờ bay, dòng người luôn cuộn chảy, lại nhớ Di chúc của Bác và sững sờ trước tầm nhìn của Người. Trong Di chúc, Bác đã căn dặn những việc xây dựng lại đất nước sau này: “Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định niềm tin tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta, dù vào thời điểm ấy, cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước đều đang trong giai đoạn vô cùng gay go, quyết liệt: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
Trong bản Di chúc mà Bác bắt đầu viết vào ngày 10/5/1965, Người tiên đoán chính xác vấn đề mang tính vận mệnh dân tộc: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Tất cả những gì Người dự báo, đều hoàn toàn là sự thật. Chỉ 6 năm sau khi bản Di chúc được công bố, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã hoàn toàn thắng lợi. Nhân dân ta đã vượt qua thách thức ghê gớm nhất, ác liệt nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc. Phải đương đầu với đế quốc hùng mạnh nhất, giàu có nhất, song, dân tộc Việt Nam đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng, những kỳ tích vĩ đại.
Những đạo quân viễn chinh, quân đội đồng minh của Mỹ ở miền Nam cùng bè lũ tay sai bán nước không thể "bóp chết" cách mạng miền Nam và đưa "miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá". Thảm sát Mỹ Lai, hàng rào điện tử Mcnamara, lửa napalm, chất độc da cam, bom rải thảm phố Khâm Thiên đêm giáng sinh năm 1972 không thể ngăn khát vọng nối liền đôi bờ Bến Hải.
Đầu năm 1960, phong trào Đồng khởi như nước vỡ bờ khắp Nam bộ. Chiến thắng Ấp Bắc rồi Bình Giã, Ba Gia, Ðồng Xoài đã đánh dấu sự phá sản của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt". Cả nước sục sôi đánh Mỹ, toàn dân ra trận. Ðường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển đã trở thành "con đường huyền thoại" phát huy sức mạnh của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn. Trận Khe Sanh và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đòn sét đánh làm lung lay nghiêm trọng ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra bước ngoặt cơ bản làm thay đổi cục diện chiến tranh, mở ra quá trình xuống thang chiến tranh của đế quốc Mỹ. Chiến lược "chiến tranh cục bộ" bị phá sản, Mỹ phải chuyển sang "Việt Nam hóa chiến tranh".
Tháng Chạp năm 1972, kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân Hà Nội đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. “Mỹ cút” đã tạo điều kiện thuận lợi để Đảng ta, dân tộc ta tiếp tục tạo thế và lực, chớp thời cơ “đánh cho ngụy nhào”. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã được tiến hành với tinh thần quyết chiến và toàn thắng đã giải phóng thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn vào 11 giờ 30 phút trưa 30 tháng 4 năm 1975.
Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng (ảnh), Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Non song thống nhất hoàn toàn, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng hai nhiệm vụ chiến lược này không hề dễ dàng. Vừa băng bó các vết thương chiến tranh, cả dân tộc vừa phải chiến đấu để bảo vệ, giữ vững từng tấc đất của Tổ quốc nơi đất liền và trên biển đảo phía Đông. Trong công cuộc xây dựng kinh tế, chúng ta vừa phải chịu đựng những khó khăn từ hơn mười năm bao vây, cấm vận, vừa mắc những sai lầm chủ quan, rập khuôn và duy ý chí.
Rồi luồng gió đổi mới năm 1986 đã giúp đất nước dần vượt qua những khó khăn, từng bước vươn lên, dựng xây và phát triển. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Hiện nền kinh tế Việt Nam hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế. Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia thuộc tất cả các châu lục. Tháng 4/2021, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phản ánh vị thế và uy tín của đất nước ngày càng cao.
Nhưng dù thắng lợi của đường lối đổi mới to lớn như thế nào, chúng ta cần dũng cảm nhìn vào sự thật, không được phép "kiêu ngạo cộng sản"!
Sự thật là nước ta hiện nay vẫn còn nghèo, cơ cấu kinh tế phần lớn còn là nông nghiệp, năng suất lao động thấp kém, trình độ công nghệ lạc hậu. Nạn tham nhũng, sự suy thoái về đạo đức và sự nảy sinh những tệ nạn xã hội mà mặt trái của cơ chế thị trường mang lại ngày càng nhức nhối. Khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng giãn rộng rõ rệt; văn hóa, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp.
Đáng lo ngại, ý thức chấp hành pháp luật của một số đảng viên là cán bộ, công chức còn thấp, thậm chí “khinh nhờn luật”. Sự buông lỏng lãnh đạo, cục bộ, bè phái, vi phạm nguyên tắc trong công tác cán bộ đã làm suy yếu năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, suy giảm niềm tin trong nhân dân, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Như vậy để thấy, thực hiện khát vọng hùng cường của dân tộc, đất nước “giàu mạnh” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là chặng đường còn nhiều chông gai.
Tự hào với những thành quả làm được, soi rọi vào những gập ghềnh, khó khăn còn đó để chúng ta vững bước đi lên trên chặng đường sắp tới. Không phải nhằm tự làm chùn nhụt ý chí!
Những khó khăn trong xây dựng đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán chính xác và căn dặn trong Di chúc trước lúc Người đi xa: Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. . .
Kỷ niệm 46 năm non sông một dải, nhớ lời Người- lời của nước non, thành kính tri ân những người đã ngã xuống cho Nam Bắc sum họp. Nhìn thành phố đỏ cờ bay thấy vững niềm tin, trước “cuộc chiến đấu khổng lồ” này, đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng và khối đại đoàn kết toàn dân sẽ tận dụng được những thời cơ mới và vượt qua thách thức chưa từng có, hiện thực khát vọng hùng cường của dân tộc. Điều đó có cơ sở khi phát biểu bế mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.