Lâm Khang ·
3 năm trước
 3517

Nghệ An: Người dân Đô Lương nhiều năm chịu ô nhiễm do 3 công ty khai thác đá, vì sao chưa giải quyết dứt điểm?

Trách nhiệm môi trường của những công ty này ở đâu? Và trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân của chính quyền các cấp ở đâu khi hiện trạng ô nhiễm đang diễn ra hàng năm trời, và người dân xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An cũng đã phản ánh và phản đối bằng nhiều cách khác nhau, nhưng vẫn chưa được cải thiện?

Những năm gần đây, cuộc sống của những người dân xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An bị đảo lộn. Bà con phản ánh rằng 3 mỏ khai thác đá tại địa phương thay nhau hoạt động không ngừng nghỉ khiến người dân vô cùng khổ sở và bức xúc. 

Việc các mỏ đá hoạt động gây ô nhiễm đã diễn ra 10 năm nay, nhưng hoạt động mạnh nhất là từ 2 đến 3 năm trở lại đây khi có tới 3 mỏ đá lớn của 3 công ty thay nhau khai thác ngày đêm.

Người dân lâu nay đã quá bức xúc và "ngán ngẩm" trước cảnh xe trọng tải lớn chở đá chạy rầm rập qua trước nhà, mỗi lần như vậy cuốn bụi đá bay mù mịt trắng xóa. Những ngôi nhà, ốt quán của người dân ở mặt đường bụi bám kín đã chuyển thành màu đất; người đi đường thì bị “hành hạ” bởi bụi bặm, ô nhiễm…

khai thác mỏ đá

Xe chở đá từ 3 mỏ đá ở xã Trù Sơn gây bụi bặm, ô nhiễm

Khi trời mưa thì đường sá lầy lội, tạo nhiều ổ gà, ổ voi do các phương tiện cơ giới vận chuyển đá đua nhau cày xới, băm nát các tuyến đường giao thông nông thôn, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

Khi trời nắng thì bụi bặm phả vào mặt người đi đường, nhiều người dân địa phương đã phải mua vải bạt, tấm che bịt kín ngôi nhà của mình để chống bụi nhưng vẫn không thể giảm thiểu được…

Dù tuyến đường này được nhà chức trách cắm biển cấm xe tải trọng trên 10 tấn song vẫn có nhiều xe hơn 10 tấn chở đá thường xuyên chạy qua khiến con đường nhanh chóng xuống cấp. Chưa kể, việc xe chở đá chạy ngày đêm gây ra ô nhiễm tiếng ồn kéo dài gây ảnh hưởng dến sinh hoạt của bà con. 

Tại khu vực lèn 12 Thung và lèn Bút, thuộc địa phận xã Trù Sơn có trữ lượng đá lớn, hiện đang "gánh" 3 công ty khai thác đá bao gồm: Công ty khai thác vật liệu xây dựng 99, Công ty khai thác vật liệu xây dựng Toản Thành và Công ty TNHH một thành viên B&T. Cả 3 công ty này đều có trụ sở tại huyện Đô Lương.

Không ít lần, do quá bức xúc về tình trạng đua nhau gây ô nhiễm môi trường từ việc vận chuyển đá ra ngoài nên người dân địa phương đã nhiều lần lập barie chốt chặn, yêu cầu các chủ mỏ phải khắc phục nhưng sự việc chỉ lắng xuống một thời gian ngắn, xong đâu lại vào đấy, xe chở đá lại tiếp tục hoạt động bất kể ngày đêm. 

khai thác mỏ đá Đô Lương

Người dân mang xe ra chặn đường để phản đối tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn

Theo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thụy Chính - chủ tịch UBND xã Trù Sơn cũng xác nhận phản ánh của người dân là có thật và xã cũng "ngán ngẩm" khi có tới ba doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Từ - giám đốc Công ty cổ phần vật liệu 99, một trong ba công ty khai thác đá - cho biết đơn vị đã nhận được phản ảnh của người dân về ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Mấy năm trước công ty cùng địa phương làm 1,7km đường nhựa, nhưng nay vẫn còn hơn 1km đường đất chưa có kinh phí. 

Được biết, cả 03 doanh nghiệp khai thác đá tại xã Trù Sơn cũng đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt báo cáo tác động môi trường. 

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dựa trên cơ sở nào, để tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương này do tình trạng khai thác đá gây ra đang tồn tại ở mức độ nghiêm trọng?

Trách nhiệm môi trường của những công ty này ở đâu? Và trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân của chính quyền các cấp ở đâu khi hiện trạng ô nhiễm đang diễn ra hàng năm trời, và người dân xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An cũng đã phản ánh và phản đối bằng nhiều cách khác nhau, nhưng vẫn chưa được cải thiện?

khai thác mỏ đá

Mỏ khai thác đá của Công ty TNHH một thành viên B&T nằm sát ngay khu dân cư

Biết rằng trước thực trạng trên, theo ghi nhận từ báo Tài nguyên và Môi trường, thì Sở TN&MT Nghệ An cũng đã yêu cầu UBND xã Trù Sơn phối hợp với 03 công ty khai thá đá phải khơi thông cống rãnh, dọn dẹp hành lang 2 bên tuyến đường vận chuyển từ ngã ba Anh Lập đến ngã ba Trại Bần.

“Các công ty sẽ chi trả kinh phí dọn dẹp trên tuyến đường với tần suất 2 lần/tuần; 3 công ty chỉ hoạt động bán hàng (vận chuyển nguyên vật liệu) trong thời gian từ 4h30 phút đến 22 giờ hàng ngày…” – ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký, yêu cầu tại văn bản báo cáo ngày 28/7/2021 về việc tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến kiến nghị cử tri trước kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh Nghệ An. 

Thế nhưng thời gian hoạt động từ 4h30 phút đến 22 giờ hàng ngày liệu có hợp lý không? 3 công ty khai thác đá được phép chở đá với khung giờ choán hết gần như toàn bộ thời gian trong một ngày như vậy, thì có thực sự là phương pháp giải quyết cho tình trạng cuộc sống bị đảo lộn và ô nhiễm của bà con hay không? 

Những yêu cầu kể trên, có thực sự đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấu hiểu và đấu tranh vì bình yên cuộc sống người dân xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An hay chưa? Thiết nghĩ, chúng ta vẫn còn quá nhiều câu hỏi cho vấn đề này. Và cũng chẳng biết, sau những yêu cầu đề nghỉ kể trên, thì tình trạng ô nhiễm do 3 mỏ khai thác đá sẽ cải thiện đến đâu?