Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1426

Người có nhiều nhà đất, đầu cơ sẽ có mức thuế cao hơn

Những người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang sẽ có mức thuế cao hơn; hoàn thiện chính sách liên quan tới thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất...

Tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chính phủ quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất.

Theo tờ trình vừa gửi Quốc hội về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Chính phủ đánh giá Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước.

Tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chính phủ quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, những chính sách mới bao gồm việc hoàn thiện quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, quy định thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đáng chú ý quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất.

Đồng thời, đó là chính sách ưu đãi thông qua việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.

Dự thảo cũng bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; bổ sung rõ trình tự, thủ tục, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đi trước so với quyết định thu hồi đất.

Về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu người dân và quỹ đất của địa phương.

Luật sửa đổi dự kiến bỏ quy định khung giá đất, đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất định giá, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường.

Quy định bảng giá đất sẽ được xây dựng định kỳ hàng năm, công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm. Bảng giá được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí…

Tại dự thảo này, Chính phủ quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Trong đó, cơ bản là thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định.

Về giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, dự thảo quy định trường hợp đấu giá đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đồng thời, Chính phủ cho biết trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi còn 3 vấn đề cần xin ý kiến Quốc hội gồm: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau một thời gian thực thi, Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi.

Đến nay, dự án luật này có 4 lần được “đưa vào, rút ra” vì luật khó, nhạy cảm, chuẩn bị chưa kỹ lưỡng. Theo dự kiến, Luật Đất đai sửa đổi được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới. Nếu đảm bảo điều kiện, luật này có thể được thông qua trong 3 kỳ họp (thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, diễn ra cuối năm 2023).

Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.

Đối với đất nông nghiệp sẽ có cơ chế quản lý theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp.

Cùng với đó là các chính sách quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất nhà ở với thương mại, dịch vụ; đất thương mại với nông nghiệp; đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế, đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh, đất từ hoạt động lấn biển.