TM ·
2 năm trước
 39640

Người dân, doanh nghiệp 'chật vật' trong cơn 'bão giá'

Tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, chiến sự giữa Nga - Ukraine căng thẳng đang đẩy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước, nguyên liệu sản xuất tăng mạnh khiến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp càng khó khăn.

Thị trường leo thang

Thời gian qua, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước, nguyên liệu sản xuất đã tăng mạnh. Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu được điều chỉnh 5 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.230 đồng/lít. Bình quân 2 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân 2 tháng đầu năm 2022 giá gas tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, bước sang tháng 3, mặt hàng xăng dầu và gas tiếp tục thiết lập mức đỉnh mới. Theo đó, từ ngày 1/3, giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng 3.500 đồng/kg, tương đương 42.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng vượt mức 500.000 đồng/bình 12 kg, cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, giá xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng hơn 500 đồng/lít/kg vào chiều ngày 1/3, giá xăng gần 27.000 đồng/lít - thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới sau nhiều năm. Tỷ trọng đóng góp giá xăng dầu vào chỉ số lạm phát hằng tháng là 0,36%, nghĩa là xăng dầu tăng giá 10% sẽ làm chỉ số lạm phát tăng thêm 0,36 điểm phần trăm.

Khó khăn lên vai doanh nghiệp và người dân

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Trung Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Việt Trung Quảng Bình cho biết: Từ trước Tết Nguyên đán, chi phí đầu vào, đầu ra của công ty liên tục tăng cao do các mặt hàng thiết yếu, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu tăng giá. Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) cũng như việc phát triển thị phần của đơn vị trong thời gian dài.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao trong những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD của công ty. Lâu nay, công ty chủ yếu sử dụng xăng dầu cho việc đốt lò sấy mủ cao su, xe vận chuyển mủ cao su và vận chuyển gỗ…

Tuy nhiên, trong lúc giá bán các sản phẩm của đơn vị trên thị trường không tăng thì giá các mặt hàng xăng, dầu lại tăng ở mức rất cao khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Thực tế đáng buồn là mặc dù doanh thu của đơn vị tăng lên, nhưng lợi nhuận ít hoặc thậm chí có thời điểm thua lỗ.

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Phú Hoàng (Taxi Tiên Sa), ông Ngô Trí Vinh cho biết: Công ty hiện có 110 đầu xe đang hoạt động. Suốt 2 năm qua, đối mặt với đại dịch, tình hình tài chính của đơn vị đã hết sức khó khăn, nay xăng dầu lại liên tục tăng giá. Thời điểm hiện tại, xăng dầu tăng cao nhưng lượng khách thì quá ít, mỗi ngày 1 xe taxi chỉ đạt doanh thu khoảng 250-300 nghìn đồng, trừ chi phí nhiên liệu, khấu hao tài sản, lãi suất ngân hàng, nghĩa vụ thuế và sinh hoạt phí của lái xe thì coi như hết, không có lương cho lao động.

"Nhiều lao động đã xin thôi việc để tìm công việc khác nuôi sống gia đình. Chúng tôi đang động viên anh em cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này,"chung lưng đấu cật" với doanh nghiệp rồi sẽ tìm cách để hỗ trợ anh em, nhưng nói thật là cũng chưa biết tìm cách gì để hỗ trợ cho người lao động đây. Dịch bệnh kéo dài, người dân đều gặp khó khăn, giờ mình tăng giá dịch vụ thì càng ít người đi taxi", ông Vinh chia sẻ.

Không chỉ riêng doanh nghiệp, "bão giá" thị trường cũng đang khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Những ngày gần đây, mỗi khi đi chợ, chị Dương Thị Lan, ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, phải tính toán sao cho vừa với túi tiền, bởi nhiều mặt hàng đua nhau tăng giá. Chị Lan chia sẻ, chị làm công nhân vệ sinh môi trường, lương của chị khoảng 7 triệu đồng/tháng. Hiện chị ở cùng chồng. Toàn bộ chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào tiền lương của chị. Gần đây, xăng và gas tăng giá, kéo theo giá nhiều mặt hàng khác cũng tăng lên, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình chị. “Nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng đua nhau tăng giá, trong khi lương không tăng, bởi vậy, việc chi tiêu trong gia đình tôi phải giảm xuống hết mức”, chị Lan cho biết.

Chị Lan nhẩm tính, mấy ngày qua, giá xăng liên tục tăng, chị phải bỏ ra gần 100.000 đồng cho chi phí tiền xăng từ nhà đến nơi làm việc, tăng thêm khoảng 30.000 đồng so với trước khi xăng tăng giá. Giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng theo giá xăng và gas, nên mỗi ngày, gia đình tăng thêm 30.000 đồng cho việc ăn uống.

Việc xăng dầu, gas và thực phẩm tăng giá đã khiến một số cửa hàng kinh doanh hàng bún, cháo, phở... điều chỉnh giá bán tăng lên từ 5000 đồng đến 10.000 đồng/bát để bù vào chi phí đầu vào tăng cao. Đơn cử, tại cửa hàng phở Sơn trên phố Đặng Văn Ngữ, trước đây giá 30.000 đồng/bát, nay đã tăng lên 35.000 đồng/bát, hoặc bún riêu tóp mỡ Hương béo trên phố Trần Xuân Soạn trước có giá 30.000 đồng/bát, nay tăng lên 40.000 đồng/bát.

Chị Phương - chủ cửa hàng Bún bò Huế trên phố Xã Đàn chia sẻ, hiện đa phần kinh tế của người dân đều khó khăn nên việc hàng ăn tăng giá trong thời điểm này là điều rất áy náy. Nhưng nếu không điều chỉnh lại giá bán, rất khó có lãi, thậm chí có thể lỗ vì mọi nguyên liệu đầu vào đều tăng giá. Theo chủ các cửa hàng dịch vụ ăn uống có hai cách để giảm bớt gánh nặng vật giá leo thang. Thứ nhất là tăng giá bán để giữ nguyên chất lượng. Thứ hai là giảm bớt nguyên liệu và giữ nguyên giá bán.

“Hầu hết các cửa hàng sẽ lựa chọn tăng giá, thay vì rút đi nguyên liệu bởi nếu lựa chọn theo cách thứ hai, người sành ăn tinh ý nhận ra, dễ bị mất khách”- chị Phương nói rõ.

Thông tin tổng hợp của Cục Thống kê cho biết: Trong tháng 2/2022, chỉ số giá tiêu dùng thuộc nhóm giao thông tăng 1,97% so với tháng 1. Nguyên nhân do chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,53% từ 2 đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 11 và 21/2/2022. Cụ thể, giá xăng tăng 5,77%, dầu Diezen tăng 8,25% so với tháng 1/2022.
 
Cũng trong tháng 2/2022, chỉ số giá tiêu dùng nhóm dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,68%; trong đó, vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 10,44%, vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 7,95% và vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 2,43%.

Nguồn: