Thanh Tâm ·
2 năm trước
 4184

Người dân là “đối tác” môi trường quan trọng của Urenco

Trong hành trình thực hiện sứ mệnh vì một Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) không chỉ là đơn vị xử lý chất thải mà còn là bậc thầy về quy hoạch xử lý chất thải.

Là đơn vị môi trường hàng đầu ở Việt Nam, Urenco đang tìm kiếm đối tác và các giải pháp nâng cao năng lực phân loại, xử lý rác. Đó cũng là nội dung cuộc trò chuyện giữa PV Báo TN&MT và ông Nguyễn Hữu Tiến (ảnh) - Tổng Giám đốc Urenco, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Việt Nam.

PV:Xin ông cho biết bức tranh chung về rác thải tại Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Hữu Tiến: Có quá nhiều các kênh truyền thông phản ánh về thực trạng rác thải tại Việt Nam hiện nay, vì vậy, ở đây, tôi chỉ đưa ra một vài phác thảo dựa trên số liệu của Tổng cục Môi trường, đó là: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Hiện tại, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn chất thải rắn. Trong số đó, khoảng 71% đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost; 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc Urenco, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Việt Nam.

PV:Trước áp lực do bãi chôn lấp đưa lại và giá trị tài nguyên thu về từ rác, xử lý rác bằng phương pháp đốt, đốt thu hồi năng lượng theo công nghệ tiên tiến đang là xu thế tối ưu. Tuy nhiên, con số 13% có lẽ là khá nhỏ so với các phương pháp hiện nay?

Ông Nguyễn Hữu Tiến: Chúng ta đang cố gắng để đạt được những kết quả song song cả về khối lượng xử lý rác và yêu cầu đặt ra về khí thải phát sinh từ quá trình đốt. Điều này bị chi phối bởi nhiên liệu đầu vào là rác và công nghệ đốt. Xu thế chung nhằm đạt được quy chuẩn về khí thải phát sinh do quá trình đốt là yêu cầu đặt ra về công nghệ đốt tiên tiến với nhiệt trị cao. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi mà chi phí cho xử lý rác thải còn hạn chế, một số địa phương đang gặp khó khăn trong đầu tư và kêu gọi đầu tư cho các công nghệ đốt rác tiên tiến do giá thành quá cao. Thực trạng này dẫn đến việc các tỉnh có nguồn thu ngân sách ít sẽ không đủ khả năng chi trả. Còn nếu kêu gọi xã hội hóa, nhà đầu tư thấy không có lãi sẽ không đầu tư.

Nói như vậy không có nghĩa là đề cao công nghệ đốt tiên tiến và bỏ qua vai trò của công nghệ đốt truyền thống. Nhưng, với tình trạng rác thải chưa được phân loại triệt để như hiện nay, nhiệt trị không đảm bảo từ công nghệ đốt truyền thống có thể sẽ gây ra hệ lụy từ khí thải. Và nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ chỉ đạt được mục tiêu thay thế vùng ô nhiễm, tức là đưa ô nhiễm từ dưới đất lên không khí.

PV:Vậy theo ông, vấn đề mấu chốt ở đây là kinh phí hay xử lý nguyên liệu - phân loại rác thải trước khi đốt?

Ông Nguyễn Hữu Tiến: Cả hai! Rõ ràng, chúng ta không thể nhập công nghệ tiên tiến một cách tràn lan trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp. Đó là chưa kể, các công nghệ này đặt ra yêu cầu quá cao về nguyên liệu đầu vào. Chúng có thể gây ra tình trạng thừa rác thải nhưng vẫn đói rác cho vận hành nhà máy, tức là, kể cả với những địa phương dư năng lực ngân sách thì tỷ lệ phân loại rác thấp cũng chất gánh nặng lên vai các nhà máy. Bởi theo các nghiên cứu cho thấy, rác thải ở Việt Nam khó xử lý hiệu quả do tỷ lệ phân loại thấp dẫn đến độ ẩm cao. Với các nước châu Âu, độ ẩm rác thải là 20%, trong khi ở Việt Nam, con số này lên đến 60 - 70%.

Người dân vẫn là “đối tác” môi trường quan trọng nhất.

PV:Nghĩa là, chúng ta không thể tìm ra một giải pháp hoàn hảo nhất nếu không phân loại rác?

Ông Nguyễn Hữu Tiến: Không ai dám khẳng định giải pháp nào là hoàn hảo. Chỉ có giải pháp tối ưu hơn, phù hợp hơn mà thôi. Vì vậy, từ thành phần, tính chất của rác thải, mỗi địa phương nên căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực tế tại địa phương để lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp. Với điều kiện kinh tế và sức ép về môi trường hiện nay, đốt rác để giải phóng đất, hạn chế ô nhiễm đất, nước ngầm, theo tôi vẫn là lựa chọn tối ưu.

Đặc biệt, để đạt được song song các mục đích phù hợp về kinh tế và đảm bảo khí thải, mấu chốt của vấn đề vẫn phải là phân loại rác.

PV:Là đơn vị tiên phong trong phân loại rác, bài học kinh nghiệm mà Urenco rút ra là gì? Và Công ty đã đạt được mục đích gì từ việc kiếm tìm đối tác như hiện nay?

Ông Nguyễn Hữu Tiến: Tôi rất thích câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Câu ca này đã từng cho chúng tôi ý tưởng về biểu tượng ba bàn tay trong xử lý rác. Đồng thời, nó chưa bao giờ mất đi tính thời sự, nhất là trong xu thế hiện nay.

Trở lại vấn đề phân loại rác, từ lâu, chúng tôi không có ý định độc hành và luôn luôn tìm những người bạn cùng chí hướng, nhiệt huyết, đủ năng lực để đồng hành. Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam; Công ty TNHH Tái chế Bao bì - Pro Việt Nam, Junk&Co, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn Hà Nội, và mới đây nhất là các khu đô thị mà điển hình là hệ thống đô thị do Công ty Vinhomes quản lý... Mỗi đối tác có một lĩnh vực quan tâm riêng, tuy nhiên, chúng tôi cùng gặp nhau ở mục tiêu phân loại, xử lý rác thải, hình thành ngành nghề tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.

Hành trình kiếm tìm đối tác đã cho chúng tôi những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, mục tiêu Urenco đặt ra là không dừng lại. Chúng tôi luôn mong muốn nối dài những bước chân trên chặng đường thực hiện sứ mệnh của mình.

PV:Vậy ở đây, người dân đóng vai trò như thế nào trong câu chuyện thành công của Urenco, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Tiến: Chúng tôi đánh giá cao vai trò của người dân. Trong dự án phân loại rác, người dân là chủ nguồn thải nên họ phải là lực lượng chính trong vai trò là chủ thể thực hiện phân loại, đồng thời họ cũng là đối tượng trực tiếp thụ hưởng thành quả từ phân loại rác. Vì vậy, dưới hệ thống luật pháp chặt chẽ và năng lực xử lý phù hợp, sự đồng lòng hợp tác của người dân là nhân tố cực kỳ quan trọng dẫn đến thành công của Urenco. Bất cứ thời điểm nào, với chúng tôi, người dân vẫn là “đối tác” môi trường quan trọng nhất.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!