Thanh Xuân ·
3 năm trước
 4536

Người mắc bệnh tiểu đường có được tiêm vắc-xin Covid-19 không?

Câu hỏi: Bố tôi mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay, tôi muốn hỏi người bị bệnh tiểu đường có được tiêm vắc-xin Covid-19 hay không? Nếu được tiêm thì cần lưu ý những gì?

bệnh nhân mắc covid-19 có được tiêm vắc-xin không

Người có bệnh lý nền tiểu đường là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin miễn phí theo Nghị quyết 21/NQ-CP (Ảnh minh họa)

Trả lời:

Người có bệnh lý nền nói chung và bệnh tiểu đường nói riêng là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus, thậm chí tiên lượng nặng và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới - WHO, cứ 100 ca tử vong vì Covid-19 thì có 9 ca liên quan đến bệnh lý tiểu đường.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vắc-xin là bước quan trọng giúp người tiểu đường giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nếu nhiễm Covid-19. Vậy nên, người có bệnh lý nền tiểu đường là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin miễn phí theo Nghị quyết 21/NQ-CP.

Bệnh nhân tiểu đường khi tiêm vắc-xin cần lưu ý tới các vấn đề sau:

- Khai báo về tình trạng bệnh tiểu đường kèm theo những bệnh lý khác nếu đang mắc phải trước khi tiêm. Ví dụ như: Đái tháo đường có biến chứng thần kinh, biến chứng thận, mạch máu...

- Trước, trong và sau khi tiêm vắc-xin không được tự ý ngưng các thuốc điều trị tăng đường huyết.

- Tại điểm tiêm phòng cần thông báo với cán bộ y tế về các thuốc đang sử dụng.

- Khi đi tiêm cần tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế các nguyên tắc theo dõi, báo cáo và xử trí.

- Các phản ứng thông thường có thể gặp sau khi tiêm vắc-xin: Đau đầu, đau tại chỗ tiêm, mỏi cơ, sốt... và bao gồm triệu chứng nặng có thể xảy ra như sốc phản vệ. Do đó những bệnh nhân tiểu đường cần theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút tại điểm tiêm chủng, báo cáo những bất thường cho nhân viên y tế để có thể xử trí kịp thời.

Người bệnh tiểu đường cần cân nhắc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, người bệnh cần đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt trước khi tiêm: Không nên nhịn đói, không uống thuốc hạ sốt, giảm đau, không uống rượu bia... Trong đó, kiểm soát tốt chỉ số đường huyết và bệnh lý nền là yếu tố then chốt đảm bảo an toàn cho người bệnh trước, trong và sau khi tiêm.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần lưu ý dự phòng thông tin liên hệ của bác sĩ chuyên khoa hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời khi có dấu hiệu bất thường sau tiêm.

Nguồn