Minh Anh ·
1 năm trước
 7829

Nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Trái đất 22/4

Ngày Trái đất (Earth Day - ED) được đề xuất lần đầu ở Mỹ năm 1970. Ngày Trái đất là ngày vận động toàn cầu nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Ngày Trái Đất (Earth Day – ED - 22/4) là ngày vận động mọi người nâng cao nhận thức và hành động nhằm bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên.

Ngày Trái Đất do Liên hợp quốc phát động, tổ chức vào ngày 22/4 hàng năm, nhằm khuyến khích các phong trào hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn các thảm họa đang xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường.

Lịch sử ra đời ngày Trái đất

Ngày Trái Đất được đề xuất lần đầu tiên vào ngày 21/3/1970 ở Mỹ. Tuy nhiên, sau đó sự kiện toàn cầu này được tổ chức vào ngày 22/4 hàng năm. Hơn 20 triệu người và hàng ngàn trường học đã tham gia Ngày Trái Đất đầu tiên tổ chức ở Mỹ hôm 22/4/1970. Sự kiện này có ảnh hưởng lớn khi thúc đẩy chính phủ Mỹ có những đạo luật mạnh mẽ hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng dân chủ bang Wisconsin, Mỹ được đánh giá là người tiên phong trong việc cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái Đất, đó là Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Không khí Sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống An toàn.

Kéo theo đó là sự ra đời mạng lưới Ngày Trái Đất (Earth Day Network - EDN) thu hút sự tham gia của gần 22.000 đối tác tại 192 quốc gia. Mỗi năm có hơn 1 tỷ người tham gia, hưởng ứng Ngày Trái Đất khiến cho nó trở thành một trong những phong trào lớn nhất thế giới.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: “Là cha đẻ của Ngày Trái Đất, Nelson đồng thời là người tiên phong để sau này cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái Đất, đó là Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Không khí Sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống An toàn”.

Nelson là người ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường tự nhiên và được biết đến như một trong những nhà lãnh đạo về môi trường đầu tiên trên thế giới. Ông được đánh giá là một người khiêm nhường, hài hước và không bao giờ bị ảnh hưởng bởi quyền lực và sự phù hoa của những cương vị ông từng nắm giữ.

Ngày Trái Đất 22/4 được Liên Hợp Quốc công nhận từ năm 2009, trở thành sự kiện thường niên được cả thế giới tổ chức, nhìn nhận về giá trị môi trường tự nhiên của Trái đất, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để chung tay bảo vệ hành tinh. Năm 2020, chủ đề được lựa chọn là “Hành động vì khí hậu”.

Ngày Trái Đất giờ đây được điều phối toàn cầu bởi Mạng Ngày Trái Đất (Earth Day Network) và được tổ chức hàng năm tại hơn 175 nước. Nhiều cộng đồng còn tổ chức Tuần Trái Đất, một tuần của các hoạt động xoay quanh các vấn đề môi trường. Năm 2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố ngày 22 tháng 4 là Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất (International Mother Earth Day).

50 năm qua, Ngày Trái đất đã trở thành sự kiện thường niên được cả thế giới tổ chức để nhìn nhận về giá trị của môi trường tự nhiên, và qua đó kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người cùng chung tay bảo vệ Trái đất.

Ý nghĩa Ngày Trái đất

Ngày Trái đất là ngày vận động toàn dân cùng ý thức và hành động bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên toàn cầu.

Nó được ra đời là để tôn vinh, yêu thương và nâng niu hành tinh sống của chúng ta. Đây là ngày mà dù công việc có bận rộn thế nào, mọi người cũng tạm gác lại mọi công việc riêng tư để tham gia các chiến dịch ý nghĩa bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Hiểu thêm về ngày nước thế giới để hưởng ứng tham gia vào các hoạt động bảo vệ nguồn nước sạch và môi trường sống của các loài động vật dưới nước trên toàn Thế Giới.