Nhật Trường ·
3 năm trước
 947

Nguồn nước trữ ngọt phục vụ hơn 1 triệu dân ở Tiền Giang có nguy cơ ô nhiễm

Sau hơn 2 tháng xây dựng các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại các huyện Châu Thành, Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), nguồn nước trong hệ thống kênh rạch này có nguy cơ ô nhiễm trầm trọng.

Hiện nay, hầu hết nguồn nước trong các tuyến kênh, rạch nằm trong các đập thép ngăn mặn ở tỉnh Tiền Giang đều chuyển màu, có nguy cơ bị ô nhiễm. Nghiêm trọng nhất là kênh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành), nhiều khu vực nguồn nước có biểu hiện kém chất lượng do nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xả thải xuống dòng kênh.

Nguồn nước trên kênh Nguyễn Tấn Thành có biểu hiện ô nhiễm.

Nguồn nước trong hệ thống kênh rạch này nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước cung cấp cho sinh hoạt hơn 1 triệu dân 2 tỉnh Tiền Giang- Long An.

Phía trong các đập thép ngăn mặn nước tồn đọng lâu ngày đã chuyển màu.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn này tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, kiểm tra, xử lý các trường hợp xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý xuống kênh mương; đồng thời theo dõi độ mặn trên sông Tiền để sớm tháo dỡ các đập thép, làm thông dòng chảy, giải quyết lượng nước tồn động lâu ngày.

Lượng nước xả từ các khu dân cư, doanh nghiệp ra kênh trữ ngọt gây ô nhiễm trầm trọng.

Từ trước Tết cổ truyền 2021, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng để xây dựng 6 đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại kênh Nguyễn Tấn Thành và các tuyến kênh rạch khác tại huyện Châu Thành, Cai Lậy. Nhờ nguồn nước ngọt dự trữ này đã phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của hơn 1 triệu dân tỉnh Tiền Giang và Long An.

Ống thoát nước thải từ công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang xuống kênh Nguyễn Tấn Thành

Nguồn