Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1398

Nguồn vốn vay ngân hàng - “Điểm tựa” cho doanh nghiệp tăng tốc sản xuất

Nhiều doanh nghiệp ví von việc nới room tín dụng lần này giống như "cơn mưa giải nhiệt mùa hè". Với nguồn vốn vay từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp có thể mua thêm máy móc mới, mở rộng thêm nhà xưởng.

Giải tỏa “cơn khát” vốn cho nhiều doanh nghiệp

Việc thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị. Động thái này được đánh giá là sẽ giúp các doanh nghiệp giải tỏa “cơn khát” vốn để thêm cơ hội phục hồi sau đại dịch.

Ở quý cuối cùng của năm 2022 được coi là mùa cao điểm với nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Vì vậy, nhu cầu vốn cho hoạt động này cũng tăng cao, trong đó kênh tín dụng ngân hàng vẫn là "điểm tựa" quan trọng, đặc biệt với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Với nguồn vốn vay từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp có thể mua thêm máy móc mới, mở rộng thêm nhà xưởng. (Ảnh minh họa)

Công ty Cổ phần Phụ gia Nhựa đang hoạt động trong lĩnh vực nhựa phụ gia. Đại diện doanh nghiệp cho biết đây thị trường mở, hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, do đó còn nhiều dư địa cho ngành này.

Nguồn vốn vay ưu đãi 20 tỷ đồng từ ngân hàng đã giúp doanh nghiệp mở tộng thêm nhà máy số 2, mua thêm máy móc thiết bị sản xuất mới. Điều đáng nói, tuy nhà máy số 2 với nhà máy số 1 đều có diện tích bằng nhau, công suất ở nhà máy số 2 đã tăng gấp 3 lần so với nhà máy số 1.

Với hệ thống lò sấy trị giá hơn 2 tỷ đồng cũng là một trong những thiết bị quan trọng của nhà máy số 2 được doanh nghiệp đầu tư từ nguồn vốn vay ngân hàng. Sử dụng công nghệ mới không chỉ giúp giảm phát thải ra môi trường mà còn tăng hiệu quả. Vì vậy, doanh số năm nay được doanh nghiệp đặt kế hoạch đạt 280 tỷ đồng, cao hơn gấp rưỡi so với năm 2021.

Ông Đặng Trần Công, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phụ gia Nhựa cho biết: "Quý cuối năm thường là quý đóng góp tỷ trọng doanh số cao, cũng là quý chúng tôi phải tăng tốc. Chính vì vậy ngân hàng đã tiếp sức kịp thời nguồn vốn để doanh nghiệp hoạt động".

Quý IV thường là quý các doanh nghiệp cần tăng tốc sản xuất. Do đó, việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi ở thời điểm này sẽ là đòn bẩy tài chính để hoàn thành chỉ tiêu của cả năm.

Chị Q, kế toán Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Lộc Tiến cho hay: "Công ty chúng tôi được tạo điều kiện vay gói vay ưu đãi 10 tỷ đồng, với mức lãi suất 9%/năm. Chúng tôi đã mua máy cắt gỗ. Sau khi mua máy này, chúng tôi đã giảm được chi phí về nhân công. So với 6 tháng cuối năm của năm 2021, doanh thu của chúng tôi cũng tăng khoảng 30%".

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021. Tín dụng chủ yếu được tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhờ đó đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất.

Với dòng vốn từ ngân hàng có thể "tiếp sức" thêm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng sản xuất, tận dụng cơ hội cao điểm để phát triển thành các doanh nghiệp quy mô, tầm cỡ trong tương lai.

Doanh nghiệp trông chờ nới hạn mức tín dụng

Theo thông tin trước đó, nhiều doanh nghiệp ví von việc nới room tín dụng lần này giống như "cơn mưa giải nhiệt mùa hè". Bởi vì sau giai đoạn tăng trưởng nhanh vào đầu năm, khoảng 2-3 tháng gần đây, những ngân hàng cạn room tín dụng đã siết lại cho vay, khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh "khát vốn". Họ đang kỳ vọng rất nhiều vào khả năng tiếp cận vốn sau động thái này.

Bước vào cao điểm nhập nguyên liệu để sản xuất hàng hóa Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng thêm khoảng 60%. Do đó, thông tin các ngân hàng thương mại được nới room tín dụng được doanh nghiệp ví như liều thuốc để đẩy mạnh sản xuất đón nhu cầu cuối năm.

Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh ông Nguyễn Đặng Hiến cho biết: "Doanh nghiệp nào cũng mong muốn điều này để đáp ứng giá nguyên vật liệu tăng cao. Với kế hoạch những tháng cuối năm, đặc biệt là kế hoạch sản xuất hàng Tết nên nhu cầu vốn cao hơn. Chúng tôi mong muốn ngân hàng nới room tín dụng để chúng tôi có lượng vốn tốt hơn".

Nhận định của hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, quyết định mở room tín dụng cho các ngân hàng để dòng chảy tín dụng vào hỗ trợ nền kinh tế là kịp thời, tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả nhất.

Phó Chủ Tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM ông Trần Việt Anh nhận định: "Việc nới room nên tập trung vào các doanh nghiệp có quá trình phục hồi tốt trong 8 tháng qua, tạo ra nhiều sản phẩm, sử dụng nhiều lao động… để họ duy trì sản xuất, tăng tích trữ nguyên, vật liệu và tăng tồn kho do thị trường chậm, tạo việc làm cho người lao động ổn định".

Theo ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM: "Đây là lúc các hiệp hội cần phải giúp doanh nghiệp hội viên xây dựng kế hoạch kinh doanh, tạo sự minh bạch về công ty của mình cũng như có những sự tín nhiệm để ngân hàng có nguồn thông tin, ra quyết định tín dụng tốt hơn".

Theo ước tính, với hạn mức mới được phân bổ, sẽ có khoảng hơn 400.000 tỷ đồng tín dụng có thể cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.

Việc mở rộng hạn mức tín dụng sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ hơn. Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ trong tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước một lần nữa nhấn mạnh: kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội. Bởi nếu tín dụng tăng trưởng cao quá mức sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, phía các doanh nghiệp cũng nên tìm cách đa dạng các nguồn vốn huy động, tránh phụ thuộc quá mức vào vốn vay ngân hàng, đặc biệt cần kiểm soát dòng tiền.

Đâu là những tiêu chí quan trọng nhất để quyết định xem một ngân hàng được tăng trưởng tín dụng nhiều hay ít? Dòng vốn tín dụng được tăng thêm có đủ để giải tỏa "cơn khát vốn" của doanh nghiệp?

Vốn vay ngân hàng cũng chỉ là một trong số nhiều dòng vốn doanh nghiệp có thể dùng cho sản xuất kinh doanh. Phía các doanh nghiệp cần có giải pháp gì để tránh phụ thuộc quá mức vào vốn ngân hàng?

PGS.TS là giảng viên của trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) cho rằng, từ động thái của NHNN, thị trường có thể phục hồi trở lại, doanh nghiệp thoát cảnh bế tắc về nguồn vốn, dòng chảy kinh tế sôi động trở lại, các ngân hàng trở lại đúng với vai trò điểm tựa tài chính cho doanh nghiệp và người dân như trước đây, tạo sức sống mới cho nền kinh tế. Ông nhấn mạnh, việc không siết tín dụng là chính sách đúng đắn, tích cực, cần được tiếp tục duy trì. Kinh tế thị trường không thể điều hành bằng mệnh lệnh hành chính. Bên cạnh đó, việc nới room tín dụng cần thiết phải song hành cùng các biện pháp cụ thể.