Ngọc Khôi ·
3 năm trước
 3216

Nguy cơ mất an toàn hàng không do người dân thả diều, đốt rơm rạ

Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia vừa cảnh báo nguy cơ mất an toàn hàng không do người dân thả diều, đốt rơm rạ gần sân bay.

Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia cho biết, thời gian gần đây, nhiều vụ việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hoạt động hàng không dân dụng tiếp tục xảy ra do người dân thả diều, đốt rơm rạ, chiếu tia laser, ánh sáng cường độ cao trong khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.

Các vụ việc nêu trên tập trung tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và một số cảng hàng không, sân bay khác trên phạm vi toàn quốc.

Trước nguy cơ mất gây mất an ninh hàng không, Ủy ban An toàn hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các cảng vụ hàng không, cảng hàng không, sân bay chủ động đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định.

nguy cơ mất an toàn hàng không vì đốt cháy rơm, rạ

Đồng thời tuyên truyền, phổ biến đến từng hộ gia đình, người dân thuộc địa bàn lân cận cảng hàng không, sân bay về ảnh hưởng của việc thả diều, đốt rơm rạ, chiếu tia laser và ánh sáng cường độ cao đến an ninh hàng không

Tuy nhiên đến nay, tình trạng các vụ việc vi phạm không hề suy giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Do đó, Ủy ban An ninh hàng không đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và huyện đảo nơi có cảng hàng không, sân bay…tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, an toàn hàng không.

Tăng cường triển khai thực hiện quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ủy ban An ninh hàng không về kiểm soát chướng ngại vật, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, đèn pha công suất lớn, phương tiện, đèn chiếu laser tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.

Rà soát, đánh giá phạm vi ảnh hưởng, uy hiếp an toàn bay và có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động bay theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản số 2015/UB-ĐT yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thị xã tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, để tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị của Bộ TN&MT tại các văn bản số 7442/BTNMT-TCMT ngày 30/12/2020, số 3115/BTNMT-TCMT ngày 9/6/2021 và ý kiến chỉ đạo của UBND TP tại các văn bản số 742/UBND-ĐT ngày 15/3/2021, số 754/UBND-ĐT ngày 17/3/2021 và số 5541/VP-ĐT ngày 4/6/2021.

UBND thành phố giao các sở, ngành phối hợp UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường.

UBND thành phố giao Sở TN&MT, Công an thành phố, Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông vận tải), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định; các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND các xã phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và UBND thành phố về việc tăng cường biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố; quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng đốt chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, tình trạng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến trong những ngày vừa qua là quá trình đốt không kiểm soát và đốt không cháy hoàn toàn nên dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, PM 10... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân tại đó và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ.
 
"Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông", ông Đăng nhấn mạnh.

Nguồn