Tâm Lê ·
2 năm trước
 3983

Nguy cơ mất trắng hơn 80.000 m2 đất, dân khẩn thiết kêu cứu

Sau gần 30 năm canh tác phủ đất trống đồi trọc, gia đình ông Lê Xuân Lý (Lộc Yên, Hương Khê) bỗng nhiên bị tranh chấp và có nguy cơ mất hơn 80.000m2 đất. Ông Lý tha thiết mong báo chí cùng các cơ quan chức năng can thiệp để làm rõ trắng đen. Liệu sau khi tiếp nhận những thông tin này, cơ quan chức năng sẽ giải quyết dứt điểm tranh chấp này như thế nào?

Sau 2 bản án của Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Hương Khê và TAND tỉnh Hà Tĩnh, gia đình ông Lê Xuân Lý có nguy cơ bị mất hơn 80.000m2 đất.

Cụ thể, năm 1989, ông Lê Xuân Lý được Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Lộc Yên, huyện Hương Khê Quyết định giao 11 hecta đất kinh tế vườn đồi theo dự án 661.

Ông Lê Xuân lý và bà Đồng Thị Lơ đang chỉ về khu vực có diện tích đất rừng đang có nguy cơ mất trắng. (Ảnh: Internet)

Các mặt tiệm cận là phía Đông giáp trại ông Phú - Lầy Nhà Hàn; phía Nam giáp vùng cả phê đội 1; phía Tây giáp vườn anh Thành (vùng Cây Trường); phía Bắc giáp đường lâm nghiệp.

Đến ngày 19/9/2001, ông Lý đã ủy quyền cho ông Hà Văn Tâm (trú tại xóm Trường Sơn) đứng tên ký hợp đồng với lâm trường Hà Đông.

Đơn xin nhận trồng rừng của ông Lê Xuân Lý và ông Nguyễn Văn Tâm năm 2001. (Ảnh: Internet)

Sau khi được nhận đất, gia đình ông Lý đã liên tục sử dụng ổn định lâu dài, đúng mục đích, đúng ranh giới.

Tuy nhiên, đến năm 2013, ông Nguyễn Văn Đ (SN 1918, trú tại xóm 1 Trường Sơn, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê) tự ý bán một phần đất và cây thuộc diện tích mà ông Lý đã được UBND huyện Lộc Yên giao trước đó. Lúc này, gia đình ông Lê Xuân Lý hết sức bất ngờ vì sự vô lý của ông Đ khi tự ý bán đất đang canh tác của gia đình mình.

Sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông Lý cũng đã trình báo với chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 21/6/2013, UBND xã Lộc Yên đã tiến hành cuộc hòa giải giữa ông Lê Xuân Lý và ông Nguyễn Văn Đ, tuy nhiên không thành.

Ngày 11/3/2016, sau khi nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Đ, UBND xã Lộc Yên đã tiếp tục tổ chức buổi hòa giải lần 2 nhưng vẫn không thành nên đã hướng dẫn các bên gửi hồ sơ đến TAND để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ảnh: Internet

Một thời gian sau đó (trong năm 2016), ông Nguyễn Văn Đ khởi kiện tranh chấp diện tích đất gia đình ông Lý về mảnh đất đang canh tác.

Quá trình giải quyết và xét xử tại tòa cấp sơ thẩm, TAND huyện Hương Khê đã chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đ và đưa ra phán quyết:

Buộc bị đơn ông Lê Xuân Lý, bà Đồng Thị Lơ phải trả lại toàn bộ diện tích đất 13,1ha tại khoảnh 1, tiều khu 218, khu vực Trại Ràn Vạt Lạc thuộc xóm 1 Trường Sơn, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh mà ông Lê Xuân Lý, bà Đồng Thị Lơ đang chiếm dụng cho ông Nguyễn Văn Đ.”

Không đồng ý với phán quyết của TAND huyện Hương Khê, phía bị đơn là gia đình ông Lý đã làm thủ tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm tại TAND tỉnh Hà Tĩnh.

Tại cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định sửa bản án sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 29/10/2018 của TAND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và chấp nhận một phần nội dung khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đ và bà Nguyễn Thị Thành (vợ ông Đ).

Đồng thời, TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng buộc ông Lê Xuân Lý, bà Đồng Thị Lơ phải trả lại diện tích đất 8,42ha tại khoảnh 1, tiểu khu 218, khu vực Trại Ràn Vạt Lạc thuộc xóm 1 Trường Sơn, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê…

Theo gia đình ông Lý, cả 2 bản án của TAND huyện Hương Khê và TAND tỉnh Hà Tĩnh đều “xem xét, đánh giá chứng cứ không đầy đủ, toàn diện, mang tính một chiều, áp đặt, bỏ qua các tài liệu chứng cứ quan trọng.

Ảnh: Internet

Quyết định của Bản án là không có căn cứ pháp luật và không phù hợp với tài liệu, chứng cứ và tình tiết khách quan của vụ án. Đồng thời, phán quyết của tòa cũng mâu thuẫn với, đối lập với luật đất đai, với nhận định, với kết luận của cơ quan chuyên môn, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Cụ thể, những căn cứ do nguyên đơn cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án gồm một Quyết định về việc giao rừng, đất trồng rừng để bảo vệ, sản xuất kinh doanh lâm nghiệp của UBND huyện Hương Khê cấp cho ông Đ ngày 25/5/1995 với hồ sơ lâm bạ bao gồm 1 cuốn sổ lâm bạ.

Theo quyết định này, ông Đ được cấp 20,1ha có phía Đông giáp rừng trồng năm 1994, phía Tây giáp dân cư, phía Bắc giáp đồi trọc, phía Nam giáp dân cư.

Theo ông Lý, tại công văn số 453/STP-VP của Sở Tư pháp ngày 17/7/2017 thì quyết định giao rừng, đất trồng rừng cho ông Đ của UBND huyện Hương Khê không có số quyết định, căn cứ pháp lý không đúng và không được lưu trữ tại địa phương.

Sau này, tại Công văn số 3001/STNMT-DKTK của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cũng có nội dung đánh giá thống nhất với Sở Tư pháp.

Ông Lý cũng cho biết, hồ sơ giao đất lâm nghiệp của ông Nguyễn Văn Đ còn thiếu các giấy tờ bắt buộc như: phương án quản lý, sử dụng (hoặc khế ước) được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tại bản đồ thiết kế trồng rừng tỉ lệ 1:10.000 mang tên Nguyễn Đ có dấu vết tẩy, viết lại một cách không rõ ràng. Tại đây, cũng không thể hiện rõ các mốc đánh dấu về diện tích được giao và không có biên bản giao nhận đất tại hiện trường.

Qua tài liệu, thông tin từ ông Lý cung cấp có thể thấy nhiều điểm nghi vấn, khúc mắc liên quan đến sự việc, liên quan đến hai bản án của TAND huyện Hương Khê và TAND tỉnh Hà Tĩnh cần xác minh và làm sáng tỏ.

Hiện tại, gia đình ông Lê Xuân Lý, bà Đồng Thị Lơ cũng đã gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm đến TAND Cấp cao tại TP Hà Nội để mong được xét xử lại và đã được cơ quan này tiếp nhận.

Bày tỏ với PV, ông Lý chia sẻ: “Gần 30 năm gia đình tôi vất vả canh tác vậy mà không hiểu sao bỗng nhiên bây giờ có nguy cơ mất đất. Bao nhiêu mồ hôi, công sức của hai vợ chồng và 8 người con của tôi giờ cũng có nguy cơ không còn gì.

Gia đình tôi chỉ mong Đảng và Nhà nước cùng với các cơ quan có thẩm quyền, PV tiếp nhận, can thiệp, thông tin về sự việc để lấy lại sự công bằng, quyền lợi của gia đình chúng tôi. Có như vậy, gia đình tôi mới dám tin trên đời còn có pháp luật, còn có công lý, còn có lẽ phải.

PV kính đề nghị TAND Cấp cao tại TP Hà Nội, các cơ quan chức năng huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng vào cuộc để gải quyết sự việc một cách thỏa đáng để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng kéo dài.