Chiều 15/6, Hội đồng Giải thưởng Môi trường Goldman 2021 công bố 6 đại diện khu vực trên toàn thế giới thắng giải. Ông Nguyễn Văn Thái (39 tuổi), Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife), là người duy nhất đại diện châu Á được vinh danh. Năm đại diện khác gồm Gloria Majiga-Kamoto (Malawi, châu Phi), Maida Bilal (Bosnia và Herzegovina, châu Âu), Kimiko Hirata (Nhật Bản, quần đảo và các đảo quốc), Sharon Lavigne (Mỹ) và Liz Chicaje Churay (Peru).
Ông Nguyễn Văn Thái là nhà bảo tồn Việt Nam đầu tiên và người Việt Nam thứ hai nhận Giải thưởng Goldman Environmental Prize
Goldman Environmental Prize là giải thưởng vô cùng cao quý, là sự ghi nhận những đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Nguyễn Văn Thái cũng như Save Vietnam's Wildlife trong gần 7 năm qua trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt là loài tê tê có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Save Vietnam’s Wildlife (SVW) vào năm 2014, có trụ sở tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Nhờ việc thành lập tổ chức này, ông cùng cộng sự đã cứu hộ hơn 1.500 cá thể tê tê, phối hợp với kiểm lâm tịch thu và gỡ bỏ hơn 9.700 bẫy thú, nhiều lán trại bất hợp pháp, bắt giữ giữ nhiều kẻ săn bắt.
Ngoài hoạt động ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, ông còn tổ chức chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, tổ chức SVW đã phối hợp với các đơn vị chức năng địa phương đào tạo một đơn vị chống săn bắn trái phép, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nhận diện các cá thể, và ứng dụng công nghệ cao trong công tác bảo tồn.
Theo đó, đơn vị này đã triệt phá nhiều đường dây mua bán trái phép động vật hoang dã lớn, giải cứu gần 2.000 cá thể tê tê, giúp giảm 80% hoạt động săn trộm loài động vật này.
Trong vòng 3 năm từ khi nhóm chống săn bắn trái phép được thành lập tại Vườn Quốc gia Pù Mát, đơn vị này đã phá hủy 10.000 bẫy săn, tịch thu 90 khẩu súng, 800 lồng nhốt. 600 đối tượng săn bắn và mua bán trái phép đã bị bắt giữ.
Tại các trung tâm phục hồi, những cá thể tê tê được chăm sóc, sau đó chúng được trả về môi trường tự nhiên. Hoạt động của các cá thể tê tê được giám sát qua radio cũng như theo dõi từ thiết bị bay không người lái.
Ông Nguyễn Văn Thái cũng là người có nhiều cống hiến cho nhiều công trình nghiên cứu, tham dự các hội thảo quốc tế và xây dựng các quy trình đầu tiên về theo dõi và phục hồi tê tê ở Việt Nam như đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê đầu tiên ở Việt Nam tại Ninh Bình, Trung tâm phục hồi chức năng cho Tê tê Châu Á đầu tiên của Việt Nam. Nhờ đó 80% những cá thể bị thương nặng đã được cứu chữa và phục hồi.