Tại tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua tình trạng xây dựng công trình, làm nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch rừng (đất lâm nghiệp) diễn biến phức tạp, chủ yếu tại các khu vực như huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà cùng 2 thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt.
Điều này làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất lâm nghiệp, quản lý và phát triển rừng, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường chung của địa phương.
Công trình nhà kính đồ sộ ngang nhiên mọc giữa rừng
UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, TP.Đà Lạt và Bảo Lộc phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý, tháo dỡ toàn bộ nhà kính, nhà lưới trên diện tích đất lâm nghiệp; Đặc biệt là những rừng thông cảnh quan ven đèo Prenn, đèo Mimosa, dọc cao tốc Liên Khương - Prenn, đường Đà Lạt – Nha Trang (Quốc lộ 27C).
Có thể thấy, tình trạng lấn chiếm đất rừng để xây dựng các công trình kiên cố, nhà lưới, nhà kính và làm những việc không được cho phép tại Lâm Đồng, đặc biệt là TP.Bảo Lộc và Đà Lạt diễn ra rất nhiều. Theo số liệu thống kê của UBND TP.Đà Lạt, trong vòng 5 năm qua, trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 502 vụ lấn chiếm, tái lấn chiếm, san ủi trái phép đất lâm nghiệp với diện tích 99,46 ha. UBND các phường, xã, đơn vị chủ rừng đã phối hợp với các đơn vị chức năng giải tỏa, thu hồi 133,57 ha diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tái lấn chiếm trái phép và bàn giao cho đơn vị chủ rừng trồng lại rừng trên diện tích bị lấn chiếm và quản lý theo quy định.
Ngoài ra, còn hàng loạt sai phạm khủng tại Hồ Tuyền Lâm. Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Lâm Đồng kiên quyết phá dỡ các công trình vi phạm, xử lý triệt để hành vi lấn chiếm, phá rừng phòng hộ, xây dựng không phép, sai phép tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm.
Cần gắn trách nhiện quản lý rừng cho lãnh đạo địa phương
Có thể thấy, tình trạng xây dựng công trình, làm nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch rừng tại Lâm Đồng vẫn còn diễn biến phức tạp. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
Nhà kính xây dựng trên hành lang an toàn hồ chứa nước sinh hoạt
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc thành lập tổ công tác để tổ chức kiểm tra, xử lý, tháo dỡ toàn bộ nhà kính, nhà lưới trên diện tích đất lâm nghiệp. Đối với những công trình vi phạm, trước mắt vận động chủ sử dụng tự nguyện tháo dỡ trong thời hạn không quá 60 ngày. Trường hợp không tự giác tháo dỡ thì tổ chức cưỡng chế. Việc kiểm tra, xử lý, tháo dỡ phải được tổ chức khẩn trương, hoàn thành trước ngày 30/9 tới.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chính quyền các địa phương đặc biệt chú ý các tuyến đường dẫn vào TP.Đà Lạt - nơi có nhiều công trình xây dựng nhà kính, nhà lưới xây dựng trái phép trên đất rừng, như: Tuyến đường cao tốc Liên Khương- Prenn, đèo Pren, đèo Mimoza, tuyến đường 723 (Quốc lộ 27C) và các tuyến đường cửa ngõ vào TP.Đà Lạt để sử dụng đất đúng mục đích cho mục tiêu phát triển rừng, đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị.
Theo UBND TP.Đà Lạt, đối với những trường hợp lấn chiếm đất rừng, UBND thành phố đã chỉ đạo kiên quyết xử lý giải tỏa, thu hồi và đơn vị chủ rừng tổ chức trồng cây phân tán để chống lấn chiếm. Đồng thời, vận động các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm, chặt phá cây rừng, cây phân tán trên diện tích giáp ranh (trong bản cam kết xác định tọa độ ranh giới, diện tích, hiện trạng cây trồng) để làm cơ sở kiểm tra sau này. Mới đây nhất, phường 5, phường 3 cũng đã kiên quyết giải tỏa một số công trình, diện tích nhà lưới, nhà kính do người dân xây dựng trên đất lâm nghiệp.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu ban ngành chức năng tổ chức vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tích cực trồng hoa, cây xanh trên diện tích đất trống, dọc các tuyến đường giao thông, bờ lô, bờ thửa để tạo dải cây xanh, mảng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; Che chắn, giảm bớt tác động của hệ thống nhà kính dày đặt đang “mọc” trên đất nông nghiệp (nhất là ở Đà Lạt) nhằm tăng tỉ lệ che phủ của cây xanh.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nếu tình trạng các công trình nhà kính, nhà lưới tiếp tục xây dựng trên đất lâm nghiệp thì tỉnh sẽ đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn, như: Xử lý kỷ luật, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ rừng với việc đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo các địa phương.
Cần phải khẳng định rằng, thời gian gần đây, Lâm Đồng đã rất kiên quyết và xử lý mạnh tay, tương đối quyết liệt đối với các vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp để xây dựng nhà lưới, nhà kính và làm những việc không được cho phép. Đây chính là cơ sở và yếu tố tiên quyết để tỉnh hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 sẽ khôi phục lại độ che phủ rừng với diện tích hơn 52.000 ha đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định.
Đã đến lúc cần có sự đánh giá của các nhà quản lý cũng như quy hoạch vùng phát triển và tiêu chuẩn nhà kính tại nơi sản xuất rau, hoa lớn nhất cả nước này.
Hiểu sai về nhà kính "Những người quản lý đã định nghĩa chưa đủ về nông nghiệp công nghệ cao, kéo theo người dân hiểu sai. Khái niệm công nghệ cao đã bị đánh đồng với nhà kính và những công nghệ đi kèm nhà kính (vật liệu mới), trong khi công nghệ cao còn là những yếu tố quan trọng như công nghệ giống, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ tự động, chăn nuôi và đồng cỏ, phát triển bền vững dựa trên canh tác hữu cơ. Vì bị hiểu sai nên nhà nhà làm nhà kính cho rau, hoa để tăng sinh khối và năng suất. Khi năng suất tăng, lợi nhuận tăng từ khoảng 100 triệu đồng/ha lên gấp 10 lần, ai còn nhớ đến việc hệ sinh thái đang bị đe dọa, cũng chẳng ai nghĩ nhiều đến việc đầu tư những công nghệ canh tác khác tiên tiến hơn nhưng đắt đỏ hơn". Tiến sỹ Vũ Ngọc Long (nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam) |
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường