TM ·
2 năm trước
 5753

Nhà máy điện rác sắp khởi công ở Hà Nội, liệu có khả thi?

Để giải quyết vấn đề rác thải hiện nay, nhiều chuyên gia môi trường nhận định điện rác là công nghệ tiên tiến cần được ưu tiên số 1.

Rác vẫn chưa được coi là tài nguyên

Trong năm 2021, Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết gồm Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đặt mục tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.

Theo số liệu ước tính, hiện nay trên cả nước lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn rác thải. Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội.

Nhà máy điện rác sắp khởi công ở Hà Nội, liệu có khả thi? - Ảnh 1
Hiện nay trên cả nước lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. (Ảnh minh họa)

Hiện nay có trên 70% được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Yêu cầu của bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCVN 261:2001 của Bộ Xây dựng trước đây quy định rất kỹ từ thiết kế vật liệu kỹ thuật, dẫn nước, thu khí, thu nước rỉ rác… Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là với công nghệ chôn lấp khi chúng ta không thu gom được khí metan, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khí nhà kính.

Do vậy, công nghệ là vấn đề lớn hiện nay. Chúng ta cũng có một số công nghệ khác như công nghệ đốt, công nghệ ủ… nhưng thực tế vẫn là công nghệ đốt là chính. Trong thời gian tới, chúng ta phải đi từ nguồn rác phân loại, trên cơ sở đó sẽ có lựa chọn công nghệ phù hợp hơn.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho rằng, phương thức xử lý rác thải từ khâu phát sinh đến khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trong thực tế còn tồn tại nhiều bất cập.

Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hoá diễn ra rất nhanh, khiến cho tỷ lệ lượng rác thải tăng nhanh, tăng 10-16%/ năm, trong khi điều kiện hạ tầng chưa theo kịp. Ví dụ, về khâu quy hoạch, khâu dự báo để quy hoạch, các khâu từ tập kết, đưa về các điểm trung chuyển ở đô thị không có mái che, mưa gió khiến rác rò rỉ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm hay ô nhiễm không khí… Các nước tiên tiến trên thế giới có hệ thống lưu giữ tạm thời tập kết nửa nổi nửa chìm, hoặc chìm hẳn, để thực hiện điều này cần có sự đầu tư.

Nhà máy điện rác 3.500 tỷ đồng có khó thực hiện?

Được biết, Hà Nội đã chủ trương đầu tư xây dựng hai nhà máy xử lý rác thải lớn nhất là Nhà máy Thiên Ý với công suất 4.000 tấn và Khởi công Nhà máy Điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn, tại thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 khiến Nhà máy Thiên Ý phải tạm dừng hoạt động. Nhà máy Điện rác Seraphin cũng phải thay đổi công nghệ để tiệm cận với công nghệ mới.

Trước đó vào tháng 1/2022, Bộ TN&MT đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội.

Dự án Nhà máy điện rác Seraphin do Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng. Công suất tiếp nhận rác định mức: 1.500 tấn/ngày đêm; công suất tiếp nhận rác tối đa: 1650 tấn/ngày đêm. Theo tính toán, thời gian nhà máy vận hành đảm bảo ≥ 8000 giờ/năm. Công suất phát điện là 37 MW (bao gồm 3 lò đốt (công suất mỗi lò là 500 tấn/ngày); 2 tổ máy, gồm: 1 tổ 25MW, 1 tổ 12MW). Diện tích sử dụng đất 2,5ha. Tiến độ thực hiện xây dựng dự kiến là 16 tháng.

Dự án ứng dụng công nghệ Segher của Bỉ. Đây là công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường với các chỉ tiêu chất lượng chính của khí thải, lò đốt đạt tiêu chuẩn EU 2000/76/EC, các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt QCVN 61/2016/BTNMT. Công nghệ này đã được nghiên cứu cải tiến với nhiều thiết bị phụ trợ hiện đại, nâng cao chất lượng môi trường trong hoạt động xử lý rác của nhà máy, tái tạo năng lượng đặc biệt phù hợp với loại rác của Việt Nam (nhiệt trị thấp, độ ẩm cao, chưa qua phân loại).

Đối với vùng được theo quy hoạch là vùng, cụm công nghiệp, làng nghề thì cần có ứng xử khác nhau giữa cự ly vận chuyển, cự ly trung chuyển và Hà Nội cũng đã nhận diện rất rõ vấn đề này để xây dựng, điều chỉnh lại những quy hoạch xử lý chất thải cho phù hợp. Đây là cái cái bước tiệm cận Hà Nội để dẫn tới sự lựa chọn những công nghệ xử lý rác cho phù hợp. Thực tế, Hà Nội đã có điều chỉnh công suất nhà máy rác Seraphin (ở thị xã Sơn Tây) từ 700 tấn lên 1.500 tấn/ngày… 

Theo các chuyên gia, đốt rác phát điện đang là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như khối các nước châu Âu, Nhật Bản... Việc xử lý rác thải bằng phương pháp đốt kết hợp với thu hồi năng lượng (gọi là điện rác) đạt hiệu quả cao trên thế giới nhưng lại rất thấp ở Việt Nam.

Tại Hà Nội, Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã áp dụng công nghệ điện rác được vài năm có công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện mới chỉ dừng ở con số 75MW. Trên cả nước, một số ít nhà máy đốt rác phát điện cũng đã đi vào hoạt động ở TP.HCM, Cần Thơ, Quảng Bình như: Dự án nhà máy điện rác Vĩnh Tân, tỉnh Đồng Nai (công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW); Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản, Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (công suất 500 tấn/ngày); hai Nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi, TP.HCM (của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, công suất mỗi nhà máy 1.000 tấn/ngày)…

Chia sẻ của ông Phạm Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT PECC1 – một đơn vị tiên phong thiết kế các nhà máy điện rác tại Việt Nam, để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng.

Tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện; khiến nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này của ngành Điện.

"Theo Quyết định này, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện tại, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí Biogas phát điện… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ".

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch liên quan đến quy hoạch mạng lưới phát điện cũng đã gây ra nhiều bất cập cho công tác xây dựng các nhà máy điện rác. Trước tình hình đó, Hà Nội cũng đã rất quyết liệt hỗ trợ các nhà đầu tư, trong thúc đẩy xây dựng các nhà máy xử lý tác ở ở điểm khác.

Lan Anh

Nguồn: Kinh tế Môi trường