Quỳnh Chi ·
3 năm trước
 1570

Nhà máy điện than mới tại Việt Nam: 99% không có lợi nhuận

Bạn có tin được không, khi các nhà máy điện than mới đang trong kế hoạch xây dựng tại Việt Nam có thể gây lãng phí tới 25 tỷ USD?

5 quốc gia châu Á với kế hoạch xây dựng 80% số nhà máy điện than mới trên thế giới đang đe dọa các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris dù nguồn năng lượng tái tạo ít tốn kém hơn vẫn luôn sẵn có, theo nhận định từ báo cáo mới nhất công bố bởi Carbon Tracker.

Theo đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam có kế hoạch xây dựng hơn 600 nhà máy mới với tổng công suất hơn 300GW.

Kế hoạch này được phát triển giữa bối cảnh Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi huỷ bỏ các dự án mới, cho rằng việc loại bỏ dần than khỏi ngành điện lực là “bước đi quan trọng nhất” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

nhà máy điện than

Báo cáo cảnh báo rằng 92% các dự án này sẽ không mang lại lợi ích kinh tế (uneconomic), cho dù vẫn hoạt động bình thường, và có thể gây lãng phí tới 150 tỷ USD.

Người tiêu dùng và người đóng thuế cuối cùng sẽ phải chi trả nhiều tiền bởi các nước này sẽ hỗ trợ điện than, hoặc tạo một thị trường, thỏa thuận mua bán điện thuận lợi cũng như các hình thức chính sách hỗ trợ khác.

Cụ thể, Việt Nam có gần 24GW công suất điện than mới đang được xây dựng hoặc trong quy hoạch, trong đó 99% các dự án được Carbon Tracker đánh giá không khả thi trong điều kiện kinh doanh bình thường.

“Chúng tôi biết rằng các dự án điện than mới có thể được tiếp tục, ngay cả khi tính kinh tế không tăng lên vì các lý do phi tài chính - điều nằm ngoài phạm vi phân tích của chúng tôi”, báo cáo viết.

Tổ chức tài chính này nhận định năng lượng tái tạo mới sẽ cạnh tranh với các tổ máy điện than hiện có ở Việt Nam vào năm 2022.

Trung Quốc là nước sản xuất điện than lớn nhất thế giới với công suất hoạt động là 1.100GW và 187GW đang được triển khai, trong đó 100% dự án mới được đánh giá không khả thi trên khía cạnh kinh tế.

Trưởng bộ phận Năng lượng và tiện ích của Carbon Tracker, bà Catharina Hillenbrand Von Der Neyen, đánh giá những thành trì điện than cuối cùng này đang đi ngược lại xu hướng, trong khi năng lượng tái tạo mang đến một giải pháp ít tốn kém hơn nhằm hỗ trợ các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Các nhà đầu tư nên cẩn trọng với các dự án điện than mới, nhiều dự án trong số đó có thể gây thua lỗ ngay từ lúc mới đầu, vị này cảnh báo.

Ngoài các dự án điện than mới, năm quốc gia châu Á trên cũng vận hành gần 3/4 số nhà máy điện than toàn cầu hiện tại, với 55% ở Trung Quốc và 12% ở Ấn Độ

Báo cáo cảnh báo rằng khoảng 27% công suất điện than hiện tại đã không thể sinh lãi và 30% còn lại gần hòa vốn, với mức lợi nhuận trên danh nghĩa tạo ra không quá 5 USD/MWh.

Nếu thế giới đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris, số tài sản mắc kẹt sinh ra từ chi phí vận hành các nhà máy điện than trên toàn thế giới sẽ là 220 tỷ USD.

Carbon Tracker phân tích cho thấy khoảng 80% số nhà máy điện than đang hoạt động trên toàn cầu có thể được thay thế bằng các nhà máy năng lượng tái tạo mới với chi phí tiết kiệm tức thời.

Đến năm 2024, năng lượng tái tạo sẽ ít tốn kém hơn điện than ở mọi khu vực lớn và đến năm 2026, gần như 100% các nhà máy điện than sẽ có chi phí vận hành đắt đỏ so với việc xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo mới.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng từ năng lượng tái tạo, cùng với việc tăng cường các quy định, có khả năng khiến việc sử dụng các nhà máy điện than tiếp tục suy giảm, làm sụt giảm lợi nhuận từ chúng.

Báo cáo lưu ý rằng vấn đề kinh tế của nhà máy điện than rất nhạy với việc sử dụng dịch vụ tiện ích của người tiêu dùng. Theo đó, chỉ cần giảm 5% hàng năm so với giả định cơ sở trong phân tích sẽ khiến khả năng thua lỗ của ngành điện than toàn cầu tăng gần gấp đôi lên 52% vào năm 2030, và tăng lên 77% vào năm 2040.

Nguồn: