Trần Nhung ·
2 năm trước
 2251

Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên-Huế tiếp tục tái phạm xả thải gây ô nhiễm?

Ban lãnh đạo Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên-Huế có lẽ cần nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về trách nhiệm môi trường trong hoạt động sản xuất. Xử phạt là một nhẽ, nhưng xử phạt cả nửa tỉ đồng rồi lại tái phạm, rồi chất lượng môi trường ngày càng xuống cấp, bà con bức xúc, thì việc xử phạt có giá trị hay không?

Mới đây, vào những ngày cuối tháng 9/2021, cá trong ao thuộc thôn La Vần, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế bị chết bất thường, nước ao cũng bốc mùi hôi chua khiến người dân hoang mang lo lắng không biết liệu trong nước và đất xung quanh có nhiễm chất độc gì ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. 

Theo người dân phản ánh, cá bắt đầu chết bất thường từ ngày 21/9. Ban đầu cá chỉ xuất hiện một số loại cá nhỏ, sau đó 1 ngày, các loại cá lớn, chủ yếu là cá rô phi cũng chết nổi lên mặt nước. Ở một số khu vực của ao nước, váng màu xanh nổi lên mặt nước tạo thành một lớp dày và nhiều ruồi nhặng bu bám…

Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên-Huế

Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế. Ảnh: TL

Mặc dù hiện tượng cá chết mới chỉ xuất hiện vào tháng 9 vừa qua, nhưng tình trạng nước ao bốc mùi hôi thối diễn ra từ nhiều năm nay. Đến nay khi cá chết nổi lên mặt nước người dân càng hoang mang tột độ và rất muốn tìm ra nguyên nhân cá chết. 

Trước tình trạng cá chết bất thường này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã yêu cầu người dân không sử dụng nước ao trên vào các mục đích sinh hoạt hàng ngày, không thả gia cầm ra ao. Đồng thời cho lực lượng vớt cá để tiêu hủy theo đúng quy định.

Nhiều người dân cho biết, con kênh dẫn nước về ao nước xuất phát từ chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên-Huế, cách thôn La Vần khoảng 3km. Người dân nghi ngờ những ngày vừa qua, chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn hoạt động đã xả nước ra làm cá chết, gây mùi hôi.

Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, UBND huyện Phong Điền và Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) phối hợp kiểm tra đã lập biên bản hiện trường, lấy mẫu nước, mẫu cá để quan trắc. Đến ngày 21/9, khi chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên-Huế đang vận hành xử lý, chế biến sắn và xả nước thải ra môi trường, đoàn liên ngành đã thu mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tại vị trí kênh đo lưu lượng nằm trên đường mương nước thải sau xử lý ra môi trường của nhà máy. Kết quả độ pH = 5,59.

Với kết quả này, đoàn kiểm tra kết luận nguồn nước thải không đảm bảo theo quy định, đoàn công tác liên ngành đã yêu cầu chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên-Huế dừng xả nước thải ra môi trường. 

Sở TN&MT sẽ báo cáo với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và tham mưu các phương án xử lý tiếp theo. Việc xả thải ra môi trường chỉ được thực hiện trở lại khi chi nhánh nhà máy này đảm bảo thực hiện đúng các quy định, chất lượng nguồn nước đảm bảo đạt chuẩn.

Tuy nhiên, đây cũng không phải lần đầu tiên chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên-Huế xả thải sai quy định ra môi trường, mà trước đó năm 2019, do thực hiện không đúng đề án bảo vệ môi trường đã được duyệt, xả nước thải và các thông số môi trường vượt quy chuẩn, Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế cũng đã từng bị Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt hành chính hơn 470 triệu đồng.

Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên-Huế

Nước thải từ Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế xả thải ra môi trường năm 2019

Trong đó, nhà máy bị xử phạt 40 triệu đồng do thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xử phạt số tiền 434 triệu đồng do các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200m2/ngày đến dưới 400m2/ngày, quy định tại điểm i, Khoản 5 Điều 13 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. 

Quyết định xử phạt do ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành. Cùng với đó, cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của Chi nhánh 3 tháng. Buộc Chi nhánh phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. 

Như vậy, có thể thấy khu vực thôn La Vần, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế và người dân xung quanh đây đã chịu tổn thương bởi ô nhiễm môi trường không chỉ một lần. Cần cơ quan chức năng tìm hiểu rõ nguyên nhân để trả lời câu hỏi rằng với những chất bị xả thải ra môi trường vượt giới hạn cho phép đã làm chết cả kể trên có ảnh hưởng như thế nào với môi trường nước, môi trường đất của bà con hay không? 

Nhà máy sẽ có biện pháp gì để cải tạo, giảm thiểu và khôi phục lại những vùng ao, vùng nước đã bị tổn thương và nhiễm chất gây hại này? 

Sau câu chuyện này, Ban lãnh đạo Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên-Huế có lẽ cần nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về trách nhiệm môi trường trong hoạt động sản xuất. Xử phạt là một nhẽ, nhưng xử phạt cả nửa tỉ đồng rồi lại tái phạm, rồi chất lượng môi trường ngày càng xuống cấp, bà con bức xúc, thì việc xử phạt có giá trị hay không?