Long Mai ·
2 năm trước
 2984

Nhật Bản: Buộc doanh nghiệp giảm 12 loại sản phẩm bằng nhựa dùng một lần từ tháng 4/2022

Nhằm thúc đẩy các sản phẩm tái chế và giải quyết vấn đề ô nhiễm biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và kiểm soát ô nhiễm môi trường, từ tháng 4/2020, các doanh nghiệp tại Nhật bản bắt buộc phải giảm 12 loại sản phẩm bằng nhựa dùng một lần. Vậy 12 loại sản phẩm bằng nhựa dùng một lần là những loại sản phẩm nào?

Theo Báo tin tức, các loại đồ nhựa dùng một lần gồm thìa nhựa, ống hút nhựa, dao, dĩa, lược, bàn chải đánh răng, hộp sữa tắm và móc treo quần áo… Quy định mới sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm này với số lượng lớn như các cửa hàng tiện lợi, khách sạn, tiệm giặt là và công ty giao bánh pizza…

Được biết, các chủ doanh nghiệp sẽ được đề nghị triển khai các hình thức như tặng điểm cho những khách hàng từ chối sử dụng những món đồ gây ô nhiễm môi trường nói trên, và biến việc hỏi khách hàng xem có cần sử dụng đồ nhựa hay không thành câu hỏi chuẩn khi tiếp khách. Các doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu mới sẽ được khuyến cáo hoặc yêu cầu thay đổi thói quen của mình.

rác thải nhựa

(Ảnh: sustainablejapan.jp)

Trước đó vào 20/10/2020, Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch bắt buộc tái chế vật liệu nhựa được sử dụng tại các văn phòng và nhà máy nhằm tăng tỷ lệ tái chế rác thải nhựa. Dự kiến thời gian thực hiện sớm nhất là từ tháng 4/2022.

Đầu năm 2020, Chính phủ Nhật đã quyết định tái chế hoàn toàn khoảng 4,29 triệu tấn rác thải nhựa từ các hộ gia đình. Một số thành phố tại Nhật vẫn chưa có hệ thống thu gom rác thải, bao bì nhựa chẳng hạn như khay đựng thức ăn, hộp, chai lọ... còn các mặt hàng khác như đồ chơi, văn phòng phẩm... chủ yếu được đốt hoặc đổ tại những bãi rác. Ngoài ra, tại cuộc họp ban hội thẩm, các bộ cũng đề xuất về việc bắt buộc những nhà bán lẻ và quán ăn giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đưa ra lựa chọn cho khách hàng sử dụng nhựa sinh học.

Chính phủ Nhật Bản vẫn đang khuyến khích cả nước giảm sử dụng đồ và tái chế nhựa nhằm mục tiêu cắt giảm 25% rác thải từ nhựa dùng một lần vào năm 2030, đồng thời bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Theo Báo Tin tức