Song Vũ ·
1 năm trước
 3262

Nhiên liệu than, dầu và khí LNG năm 2023 [Kỳ 1]: Dự báo giá than

Trước khi kết thúc năm 2022, nhiều tổ chức tư vấn, ngân hàng, doanh nghiệp, báo chí đã đưa ra dự báo về giá nhiên liệu cho năm 2023.

KỲ 1: DỰ BÁO CHUNG VỀ NĂNG LƯỢNG VÀ GIÁ NHIÊN LIỆU THAN NĂM 2023

Dự báo chung về giá năng lượng 2023:

Theo Reuters, cuối tháng 10-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố dự báo về về giá năng lượng 2023. Theo dự báo của WB, giá năng lượng 2023 sẽ giảm 11% sau khi tăng 60% trong năm 2022 do xung đột xảy ra tại Ukraine, và tác động từ đại dịch Covid-19. Trong báo mang tên Commodity Markets Outlook (Triển vọng thị trường hàng hóa), WB dự đoán giá dầu thô Brent trung bình là 92 USD/thùng vào năm 2023, giảm xuống 80 USD vào năm 2024, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm qua là 60 USD.

WB còn cho hay, xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm 2 triệu thùng mỗi ngày do lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm dầu và khí đốt của Nga, cùng với các hạn chế về bảo hiểm và vận chuyển, có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12. Giới hạn giá dầu của G7 được đề xuất cũng có thể ảnh hưởng đến dòng chảy dầu từ Nga, nhưng cần sự tham gia của các thị trường mới nổi lớn và các nước đang phát triển để có hiệu quả.

Cũng theo dự báo của WB, đồng đô la Mỹ (USD) sẽ mạnh hơn và giá trị đồng tiền của hầu hết các nền kinh tế đang phát triển bị thu hẹp, đẩy giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đã ảnh hưởng đến 200 triệu người trên toàn thế giới.

“Sự kết hợp của giá hàng hóa tăng và đồng tiền mất giá liên tục dẫn đến lạm phát sâu hơn ở nhiều quốc gia. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển nên chuẩn bị cho ‘một thời kỳ biến động mới’ thậm chí còn cao hơn trên thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu” - Ayhan Kose - người đứng đầu nhóm soạn thảo báo cáo của WB nhấn mạnh.

Báo cáo cho thấy, gần 60% thị trường mới nổi nhập khẩu dầu mỏ và các nền kinh tế đang phát triển đã chứng kiến ​​sự gia tăng giá dầu nội tệ do cuộc chiến xảy ra tại Ukraine (bắt đầu vào ngày 24/2/2022), từ đây giá lúa mì tính bằng đồng nội tệ tăng mạnh. Lạm phát giá lương thực trung bình hơn 20% ở Nam Á trong ba quý đầu năm 2022, trong khi các khu vực khác, bao gồm: Châu Mỹ Latinh và Caribe, Trung Đông và Bắc Phi, châu Phi cận Sahara, Đông Âu và Trung Á, giá lương thực trung bình lạm phát từ 12% đến 15%.

WB cho biết, trong khi giá năng lượng có chiều hướng giảm, thì vẫn sẽ cao hơn 75% so với mức trung bình trong 5 năm trở lại đây. Cả giá khí đốt tự nhiên và giá than đều được dự đoán sẽ giảm vào năm 2023 so với mức cao kỷ lục vào năm 2022, nhưng giá than của Úc và khí đốt tự nhiên của Mỹ vẫn được dự báo sẽ tăng gấp đôi mức trung bình trong 5 năm qua vào năm 2024. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu có thể tăng gần bằng.

Dự báo giá thannăm2023:

Liên quan đến giá than năm 2023, nhiều tổ chức và hãng sản xuất đều đưa ra những dự báo mới, phần lớn cho thấy sản lượng khai thác tăng và giá cũng tăng theo.

Theo dự báo của WB: Sản lượng than tăng trong bối cảnh giá cao và thiếu hụt nghiêm trọng. Mặc dù sản lượng than toàn cầu tăng gần 6% trong năm 2021, nhưng tình trạng thiếu than ở Trung Quốc và Ấn Độ vẫn trầm trọng đã dẫn đến tăng sản lượng trong nước. Do tình trạng khan hiếm than và khí tự nhiên vẫn tiếp diễn, nên các biện pháp hỗ trợ đã được đưa ra vào ngay đầu năm 2022. Ví dụ, Ấn Độ đã công bố kế hoạch mở lại 100 mỏ than mà trước đây được coi là không kinh tế.

Theo dự báo của Whitehaven Coal (WCL) - Công ty khai thác than hàng đầu của Úc có trụ sở tại New South Wales: Các hãng tiêu thụ than chủ chốt ở Hàn Quốc, Nhật Bản đang tránh các hợp đồng mua hàng mới từ Nga và việc thiếu các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu, nên than cho nhiệt điện, luyện kim dự kiến ​đều tăng từ năm 2022. Giá than nhiệt của Newcastle đạt trung bình 264 USD/tấn trong ba tháng đầu năm, cao hơn 43% so với giá trong quý cuối cùng của năm 2021.

Ấn Độ và Trung Quốc, các thị trường than lớn nhất thế giới, đang tăng sức mua từ Nga khi các thị trường khác rút lui. Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler Holding SA: Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 1,08 triệu tấn (trong tháng 3/2022), cao hơn gấp đôi so với khối lượng trong tháng 2. Dữ liệu hải quan cho thấy: Trung Quốc đã tăng gấp đôi nhập khẩu than luyện thép từ Nga (trong tháng 3/2022). Theo dự báo của WCL: Đợt tăng giá chóng mặt của than có thể sẽ tiếp tục vào năm 2023 sắp tới.

Theo dự báo của Bloomberg: Do khủng hoảng năng lượng, suy thoái, lạm phát và chiến sự tại Ukraine khiến than ở châu Âu trở lại. Cuộc chiến ở Ukraine đã gây áp lực tăng lên đối với tất cả giá các loại hydrocacbon vào năm 2022. Với giá dầu thô và khí đốt tự nhiên ở mức cao nhất trong nhiều năm, nhu cầu than tăng mạnh. Châu Âu phụ thuộc vào Nga về nguồn cung cấp dầu, khí đốt, và lo ngại về dòng chảy trong tương lai đã khiến giá than tăng cao.

Than nhiệt để giao ở Rotterdam, Hà Lan, ở mức $ 408 (vào ngày 22 tháng 8). Trước tháng 10 năm 2021, mức đỉnh kỷ lục là $ 224. Giá đạt mức cao 465 USD vào tháng 3 năm 2022 khi chiến sự tại Ukraine xảy ra. Khí tự nhiên cạnh tranh với than, và giá tăng với tốc độ cao hơn.

Ba yếu tố cơ bản về cung và cầu khiến giá than tăng cao, gồm:

Một là: Cuộc chiến ở Ukraine gây ra những lo ngại về nguồn cung năng lượng đáng kể ở châu Âu. Trong khi các nước châu Âu đã cam kết giảm lượng khí thải carbon, việc thiếu nguồn cung cấp của Nga và mùa đông sắp tới sẽ gạt những lo ngại về môi trường sang một bên để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm trong mùa nóng cao điểm năm 2022 và 2023.

Hai là: Các chính sách năng lượng của Hoa Kỳ hỗ trợ các nhiên liệu thay thế và tái tạo - nghĩa là sản lượng than của quốc gia này sẽ giảm so với tiềm năng. Hoa Kỳ là nhà sản xuất than hàng đầu thế giới, có trữ lượng than đã được chứng minh đứng hàng đầu.

Ba là: Nhu cầu than của Trung Quốc giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, khi Covid-19 kết thúc, nhu cầu của Trung Quốc có thể tăng cao khi nước này đi đúng hướng và hoạt động kinh tế tăng lên.

Theo số liệu EIA cho thấy: Tổng sản lượng than từ đầu năm 2022 đến nay đạt gần 438 triệu tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nhiên liệu đã tăng mạnh khi tăng nhu cầu toàn cầu, đặc biệt khi Bắc bán cầu phải chịu đựng thời tiết lạnh giá và có tuyết.

Trong nửa đầu năm, than là nguồn sản xuất năng lượng lớn nhất của Đức, chiếm gần 30% - theo dữ liệu xác nhận từ Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER). Đây cũng là kết quả của lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của Liên minh châu Âu (EU), buộc các thành viên khu vực đồng euro phải tìm kiếm các nguồn thay thế. Matxcơva đã cung cấp khoảng 70% than nhiệt của EU trước khi có các hạn chế. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Australia đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn than sang châu Âu, tăng 73% so với cả năm 2021.

“Với việc nhiều quốc gia châu Âu tăng cường sử dụng than nhiệt, công suất nhiệt điện than tăng thêm 9 GW để đáp ứng nhu cầu năng lượng và bù đắp cho sự sụt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga. Giá than đang tăng mạnh, nhưng chúng vẫn phải tăng hơn so với giá khí đốt cao kỷ lục” - Dự báo của Wood Mackenzie gần đây cho hay.

Trong dự báo giá than dài hạn công bố đầu tháng 8/2022, Fitch Solutions - cơ quan cơ quan xếp hạng tín dụng của Mỹ đã điều chỉnh dự báo giá than cho năm 2022 ở mức trung bình 320 USD/tấn, từ dự báo trước đó là 230 USD. Giá dự kiến ​​sẽ giảm xuống 280 USD vào năm 2023 và 250 USD vào năm 2024. Dự báo giá than của Fitch Solutions cho năm 2025 đối với sản xuất điện sẽ giao dịch ở mức 200 USD, và giảm tiếp xuống còn 180 USD vào năm 2026.

Trong các dự đoán về giá than, Ngân hàng Mỹ (BofA) cho biết: Giá nhiên liệu than trung bình là 375 USD trong quý 4 năm 2022. Nhiên liệu của nhà máy điện sẽ trung bình là 312 USD vào năm 2022 và tăng lên 300 USD vào năm 2023.

Dự báo về giá than một số nước năm 2023:

1/ Trung Quốc:

Hãng tin Bloomberg đưa tin: Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) ban hành chỉ thị mở rộng giới hạn giá than nhiệt vào năm 2023 khi nước này muốn mở rộng việc sử dụng nhiên liệu này để giúp ổn định giá cả và đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Các hợp đồng cung cấp than nhiệt dài hạn mở rộng cho năm 2023 (bao gồm tất cả các công ty khai thác than, nhiệt điện than và các nguồn sưởi ấm).

Với phạm vi bao trùm được mở rộng, quốc gia này dự định giảm nguồn cung than trên thị trường giao ngay trong khi vẫn đảm bảo cung cấp cho các đơn vị cung cấp điện. Động thái này được cho là nhằm tránh tình trạng thiếu than trong nước dẫn đến tình trạng mất điện chưa từng có vào năm ngoái. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các công ty điện lực cung cấp nguồn nguyên liệu bổ sung thông qua các hợp đồng dài hạn.

Đối với hợp đồng thời hạn 2023, nhà hoạch định nhà nước sẽ duy trì giá than chuẩn là 92,76 USD/tấn cho loại than có nhiệt trị là 5.500 kcal/kg. Tài liệu của NDRC cũng đã được xác nhận bởi các bên tham gia thị trường, yêu cầu tất cả các bên tham gia hoàn thành các hợp đồng năm 2023 (trước ngày 25 tháng 11 năm 2022).

Ngoài ra, NDRC yêu cầu các mỏ than phải bán ít nhất 80% công suất sản xuất tổng thể và 75% công suất sản xuất than nhiệt của họ theo hợp đồng dài hạn.

Theo Bloomberg News: Nguồn cung sẽ được ưu tiên cung cấp cho các nhà máy điện hơn là các nhà máy công nghiệp khác. Nếu các công ty khai thác than không đáp ứng được việc giao hàng, họ sẽ được lệnh cung cấp gấp ba lần khối lượng than ban đầu để bồi thường cho khách hàng ban đầu của họ - báo cáo trích dẫn thông báo.

2/ Indonesia:

Theo S&P Global Commodity Insights: Nhu cầu than năm 2023 của Indonesia cho ngành điện lên 161,15 triệu tấn. Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản của Indonesia (MEMR) đã chuẩn bị một danh mục gồm 125 mỏ than và đưa ra yêu cầu cụ thể để họ khai thác và cung ứng cho thị trường.

Đầu năm 2022, nhu cầu than từ ngành điện được dự báo là 127 triệu tấn cho cả năm, trong khi nhu cầu của PLN (PT Perusahaan Listrik Negara - Tập đoàn thuộc sở hữu của chính phủ độc quyền phân phối điện ở Indonesia) dự báo là 64 triệu tấn. Tuy nhiên, PLN đã yêu cầu Bộ này cung cấp thêm 5,4 triệu tấn và 2,2 triệu tấn than nhiệt vào tháng 7 và tháng 8. Điều này đánh dấu sự gia tăng hàng năm trong dự báo nhu cầu than từ ngành điện của Indonesia là 26,7%.

3/ Giá than châu Âu:

Giá than châu Âu có thể sẽ giảm từ mức tăng năm nay xuống dưới 250 USD/tấn trong nhiều năm tới khi tiêu thụ giảm và mức cung được cải thiện. Theo công ty phân tích McCloskey: Năm 2024, ​​giá trung bình sẽ giảm dưới 200 USD/tấn. Điều này phần lớn là do sự sụt giảm tiêu thụ than nói chung, đặc biệt là đối với quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới là Trung Quốc.

Theo dữ liệu của nhà môi giới Global Coal: Giá than (bao gồm chi phí giao hàng đến Tây Bắc châu Âu) cho đến nay đạt mức trung bình là 290 USD/tấn, với mức cao nhất vào tháng 6 và tháng 7, đạt trên 400 USD/tấn. Mặc dù trước đây, châu Âu nhập khẩu 60 - 70% nhu cầu than nhiệt của mình từ Nga, nhưng kể từ khi chiến sự xảy ra, họ phải tìm kiếm nguồn cung cấp với chi phí cao hơn từ các nhà cung cấp thay thế. Chẳng hạn như Nam Phi, Colombia và thậm chí xa hơn như Indonesia và Australia.

4/ Giá than tại Mỹ:

Theo dữ liệu mới từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA): Giá than của Mỹ đã tăng vọt lên 200 USD/tấn vào tuần đầu tháng 10/2022. Giá than Appalachia giao ngay tại Central Appalachia tăng lên 204,95 USD/tấn trong tuần kết thúc vào ngày 30/9, tăng hơn 3% so với tuần trước, đạt mức giá cao nhất kể từ năm 2005.

(Đón đọc kỳ tới...)