Thành Phong ·
2 năm trước
 3798

Nhiều chuỗi siêu thị lớn thúc đẩy xu hướng tiêu dùng "xanh", hướng tới phát triển bền vững

Xu hướng tiêu dùng xanh, sạch đang lan tỏa mạnh mẽ khi sức khỏe và bảo vệ môi trường sống trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp đã và đang góp phần thúc đẩy ngành bán lẻ trong nước phát triển theo hướng bền vững.

Việt Nam được xem là một trong những thị trường hấp dẫn khi sở hữu gần 100 triệu dân. Tính chung ba quý đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 4.170 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự hồi phục vượt trội hậu đại dịch.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Xanh từ khâu sản xuất

Tại hội thảo "Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp" mới diễn ra, ông Trịnh Quốc Vũ - phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - nhận định chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Có thể thấy, xu hướng mua sắm ít hơn nhưng tập trung vào chất lượng hay chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm "xanh" của người tiêu dùng cũng là "chất xúc tác" để các startup mạnh dạn hơn trong việc triển khai các mô hình khởi nghiệp bền vững. Nhiều ý tưởng kinh doanh bền vững bắt nguồn từ việc giải quyết nhu cầu về mong muốn tiêu dùng có trách nhiệm hơn của khách hàng.

Bắt nguồn từ ý tưởng tạo ra các sản phẩm "xanh" giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen, đồng thời, nhìn ra tiềm năng phát triển thị trường, nữ 9X Marina Trần Vũ đã quyết định về Việt Nam khởi nghiệp. Các sản phẩm được chế tạo từ 100% nguyên liệu tự nhiên như cỏ, dừa, gạo, bã mía và cà phê nhằm thay thế những sản phẩm nhựa sử dụng một lần được Marina xem như giải pháp xanh thiết thực hòa cùng xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường.

Dưới góc độ quỹ đầu tư, khi nói về tiềm năng của các mô hình khởi nghiệp bền vững, bà Trần Hoài Phương - Phó chủ tịch và Quản lý đầu tư tại Việt Nam của Quỹ Wavemaker Partners cho biết hiện các quỹ mạo hiểm cũng thay đổi "khẩu vị" đầu tư khi tập trung vào một số ngành mang đến giá trị cho môi trường tiêu biểu là Agritech (công nghệ trong nông nghiệp). Với tiềm năng thị trường tại Việt Nam lớn khi nông nghiệp chiếm tới 15% GDP tương đương thị trường khoảng 40 tỷ đô và ý thức tiêu dùng của người dùng đang thay đổi, các mô hình khởi nghiệp bền vững có nhiều triển vọng phát triển.

"Ưu tiên đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh bền vững, tạo ra các tác động tích cực đến xã hội" cũng là tiêu chí đầu tư của CEO Bùi Thành Đô - Quỹ đầu tư ThinkZone. Bên cạnh khả năng sinh lời, một mô hình kinh doanh cần phải phát triển bền vững đồng thời giải quyết được các thách thức của xã hội. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết tạo "lực đẩy" để các doanh nghiệp nâng cao khả năng nhận đầu tư.

Đồng thời, khi giải quyết được bài toán "xanh" trong hoạt động sản xuất với các tiêu chí như đạt chuẩn chất lượng, xử lý chất thải phát sinh đạt tiêu chuẩn, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải... doanh nghiệp có thể xâm nhập và hưởng các mức thuế suất ưu đãi khi tấn công vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU.

Theo số liệu thống kê, có tới 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Tiêu dùng xanh là một nội dung trong dự thảo “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng. Trong đó, dự thảo đưa ra những mục tiêu, bao gồm các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể theo từng khía cạnh của tăng trưởng xanh như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong quá trình chuyển đổi xanh…

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, dự kiến cần khoảng 30 tỉ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030.

Siêu thị nỗ lực hướng người dân tiêu dùng xanh

Để thúc đẩy tiêu dùng xanh, nhiều chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc đang nỗ lực chuyển đổi, thay thế túi ni lông khó phân hủy thành các bao bì thân thiện với môi trường, dễ dàng phân hủy, để đựng hàng hóa cho khách.

Đại diện Saigon Co.op cho biết từ 14 năm trước, chuỗi Co.opmart đã hưởng ứng chủ trương tiết kiệm bao bì với khẩu hiệu "Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường". Đơn vị cũng tổ chức chương trình "Ngày không túi ni lông".

Trong năm 2022 này, đơn vị cũng phát động chiến dịch tiêu dùng xanh với chủ đề "Gia đình xanh cùng hành động". Cụ thể, hơn 100 siêu thị và 500 cửa hàng thuộc Saigon Co.op trên cả nước, kết hợp hàng ngàn các doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia trưng bày sản phẩm xanh, giải pháp sản xuất xanh.

Tại Việt Nam, theo quy định của Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường, được gắn "Nhãn xanh Việt Nam" sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường.

Hiện nay, người tiêu dùng trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam đang hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức startup trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.