Thành Vũ ·
47 tuần trước
 8552

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu "chây ì" không nộp lại thuế bảo vệ môi trường về ngân sách

Thuế bảo vệ môi trường được doanh nghiệp “thu hộ” từ mỗi lít xăng, dầu được bán ra, sau đó có trách nhiệm nộp lại cho ngân sách nhà nước. Nhưng không ít doanh nghiệp thu hộ xong lại chây ì giữ lại, không chịu nộp về ngân sách khoản tiền thuế này.

Hồi tháng 8 năm nay, Cục Thuế TP.HCM đã công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt 2 năm 2023. Trong đó, Xuyên Việt Oil đứng đầu danh sách với số nợ thuế "khủng" với hơn 1.529 tỷ đồng, tức chiếm đến gần 19% tổng số nợ hiện có của doanh nghiệp. Trong đó, tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là tháng 1/2020, Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách nhà nước hơn 89,57 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, nhưng chỉ sau hơn 3 năm con số này đang tăng hơn gấp hàng chục lần.

Số tiền Xuyên Việt Oil nợ thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng.

Lý giải về tình trạng nợ thuế của mình Xuyên Việt Oil giải thích là do thực tế đứt gãy nguồn cung xăng dầu tại TP.HCM năm 2022 và sự thay đổi đột ngột chính sách tín dụng của ngân hàng khiến công ty không cân đối kịp nguồn tài chính để nộp các khoản thuế tới hạn theo quy định.

Tuy nhiên, vào tháng 10 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi Cục Thuế TP.HCM, trong đó chỉ ra những bất thường liên quan đến công tác quản lý thuế với Xuyên Việt Oil dẫn đến tình trạng nợ thuế hàng nghìn tỷ chưa thể thu hồi.

Theo Tổng cục Thuế, từ năm 2020 đến tháng 7/2022, Xuyên Việt Oil còn khả năng nộp thuế nhưng Cục Thuế TP.HCM chưa quyết liệt yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, mà chỉ áp dụng các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế sau khi công ty phát sinh số tiền thuế nợ lớn nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Các biện pháp cưỡng chế mà Cục thuế TP.HCM đã áp dụng là trích tiền từ tài khoản, dừng làm thủ tục hải quan, ngừng sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mà chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác là kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.

Tháng 10 vừa rồi, Cục Thuế tỉnh Thái Bình công khai thông tin về 107 doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý trong danh sách này, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà tiếp tục là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất, với tổng số tiền đang nợ trên 1.781 tỷ đồng, trong đó chủ yếu thuế bảo vệ môi trường.

Trước tình trạng này, Tổng cục Thuế cũng đã có nhiều biện pháp để thu hồi số tiền thuế đã nợ của doanh nghiệp này. Như ngày 13/3, Tổng cục Thuế yêu cầu triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế. Đến 18/5, cơ quan này tiếp tục yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình triển khai ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ của Hải Hà.

Ngày 26/5, Tổng cục Thuế lại có công văn hỏa tốc yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình triển khai áp dụng các biện pháp cưỡng chế ngay trong ngày 26/5.

Tính đến ngày 19/9, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Cụ thể, cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với công ty theo 6 quyết định, liên tục từ ngày 26/6 đến ngày 28/8.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp theo quyết định ngày 12/9 (hiệu lực từ ngày 13/9/2023 đến ngày 12/9/2024).

Đến ngày 30/8, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, hiện là bà Trần Tuyết Mai.

Thực tế 2 công ty xăng dầu đầu mối được kể đến ở trên không phải là trường hợp cá biệt. Theo nhận định của Tổng cục Thuế, thời gian qua, tình hình nợ đọng thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có xu hướng tăng lên, một số Cục Thuế chưa kiên quyết, chậm áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn hướng hướng dẫn thi hành.

Theo Tổng cục Thuế, các địa phương có doanh kinh doanh xăng dầu nợ thuế lớn gồm: An Giang, Bến Tre, Cà Mau, TP. Cần Thơ, Đồng Nai, TP. Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Bình, Thanh Hóa và TP.HCM.

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023, giảm số tiền nợ đọng thuế, thu hồi đầy đủ nợ thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vào Ngân sách Nhà nước, Tổng cục Thuế đã có văn bản đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố thường xuyên thực hiện các biện pháp đôn đốc để yêu cầu người nộp thuế nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh đối với doanh nghiệp chỉ có khoản nợ đến 90 ngày.

Còn với các doanh nghiệp nợ thuế từ 91 ngày trở lên Tổng cục Thuế yêu cầu triển khai áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với 100% doanh nghiệp nợ thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Sau thời gian áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản mà chưa thu đủ số tiền thuế nợ thì Cục Thuế tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn hoặc các biện pháp cưỡng chế tiếp theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài trên địa bàn mà không kiên quyết áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.