Đinh Hà ·
2 năm trước
 3065

Nhiều giải pháp để xử lý chất thải rắn công nghiệp

Với 25 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp được thải ra mỗi năm, đây chính là mối nguy hại đối với môi trường nếu không được xử lý đúng quy định.

Những con số biết nói

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT phân tích, rác thải công nghiệp bao gồm 2 loại là chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Trong đó, chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, còn chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm.

Hiện nay, các quy định về quản lý chất thải nói chung, trong đó có chất thải rắn công nghiệp nói riêng được thể hiện rất rõ trong Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 38 và Nghị định 40 của Chính phủ.

đốt rác thải

Hầu hết các giải pháp công nghệ để xử lý chất thải rắn công nghiệp đều được sử dụng như chôn lấp, đóng rắn, thiêu đốt, ủ sinh học và gần đây, được tái chế nhiều hơn. (Ảnh: Báo TN&MT)

Theo đó, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải có trách nhiệm phân định, phân loại, lưu giữ, tự xử lý hoặc chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý theo quy định. Các chất thải công nghiệp thông thường được phép tận dụng để tái sử dụng, tái chế làm nguyên nhiên vật liệu cho các ngành khác.

Còn theo đánh giá của GS. Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, chất thải rắn công nghiệp được xử lý bằng nhiều công nghệ khác nhau tùy theo mục đích, khối lượng và thành phần chất thải. Chất thải rắn công nghiệp có đặc điểm là có khối lượng lớn, thành phần tính chất tương đối là ổn định.

Một đặc điểm nữa là thường được thu gom và quản lý, phân loại thành Chất thải rắn công nghiệp thông thường và Chất thải rắn công nghiệp nguy hại. Hầu hết các giải pháp công nghệ đều được sử dụng: Chôn lấp, đóng rắn, thiêu đốt, ủ sinh học và gần đây, được tái chế nhiều hơn.

Thời gian qua, đã có rất nhiều văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được ban hành nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn và kiểm soát hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn của các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp. Như: Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường 2014 về Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định, hay Thông tư 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT về BVMT cụm công nghiệp và gần đây nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên, việc quán triệt thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Hướng xử lý chất thải rắn công nghiệp

Để siết chặt quản lý chất thải rắn công nghiệp cũng như tránh tình trạng đốt, xả chất thải rắn công nghiệp ra môi trường, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể và sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng.

rác thải công nghiệp

Chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ở góc độ pháp lý nhà nước, cần triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả các quy định của Luật Bảo vệ môi trường như siết chặt cấp giấy phép môi trường. Ngoài ra, cần chủ động kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, đặc biệt tập trung vào các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Bên cạnh đó, các địa phương sớm xây dựng các hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, chủ đầu tư; kiên quyết xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp không đáp ứng các quy định về quản lý chất thải.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Thắng, tại nhiều quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới đang có xu hướng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh. Xu thế này là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm...

"Tại Việt Nam, một số ngành sản xuất đã thực hiện theo xu hướng này. Tuy nhiên, để xu hướng này phát triển ổn định, bền vững cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc hợp tác với các nhà cung cấp công nghệ để quá trình sản xuất các sản phẩm không gây ô nhiễm thứ cấp; khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn", ông Thắng chia sẻ.

Ô nhiễm từ các làng nghề tái chế

GS.Trịnh Văn Tuyên cho rằng, có thể nói nhiều về các mặt tích cực của các làng nghề tái chế như làm giảm lượng chất thải, giảm chôn lấp, thu được tài nguyên từ chất thải, giảm chi phí xử lý chất thải, tăng hiệu quản kinh tế và tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động… Tuy nhiên, do công tác quản lý và các yếu tố về kỹ thuật còn hạn chế nên “những cỗ máy” tái chế chất thải này lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, một số trường hợp rất nghiêm trọng.

Nguồn