Ngọc Lan ·
18 tuần trước
 10076

Nhiều ngân hàng có tín dụng tăng trưởng mạnh

Trong quý II/2024 tín dụng của ngành ngân hàng đã cải thiện tích cực.

Đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, so với cuối năm ngoái tăng 6%. Trong đó, cho vay tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, nền kinh tế đã được bơm thêm hơn 810.000 tỷ đồng. Tính riêng quý II/2024, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 630.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tuần cuối tháng 6 (từ 24/6 - 30/6), dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm hơn 210.000 tỷ đồng.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã đạt mục tiêu Chính phủ và NHNN đưa ra trước đó (tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6% vào cuối quý II/2024).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo Vietcombank, tính đến hết ngày 17/6/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,1%, tuy vậy dự kiến đến hết 30/6/2024, mức tăng trưởng sẽ đạt 4,3%, đến hết 30/9 là 8,2% và cả năm là 12%.

BIDV cho biết, cập nhật hết ngày 17/6/2024, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Agribank cho hay, tính đến hết ngày 31/5/2024, dư nợ tín dụng đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,24% so với cuối năm ngoái và dự kiến đến hết 30/6/2024 tăng 2,5% và hết năm 2024 tăng trưởng 8,5%.

Tại khối ngân hàng tư nhân, ACB cho biết, tín dụng đến gần cuối tháng 5/2024 tăng khoảng 9,5%. Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cho biết, trong quý II/2024, tín dụng ngân hàng tăng gấp đôi so với quý đầu năm 2024 và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới. Thực tế, tín dụng luôn tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, do đó ngân hàng này đang nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN cấp đầu năm 2024 là 16%.

Tại SHB, ngân hàng mới ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 2,54%, trong khi dự kiến đến ngày 30/6 tăng 5%.

Đáng chú ý, theo Shinhan Bank Việt Nam, trong nửa đầu năm nay dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng trưởng 13%.

Sở dĩ trong quý II tín dụng cải thiện tích cực là do NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp; điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu chính sách tiền tệ. Cùng với đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm thêm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,3 - 9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Do đó, các ngân hàng kỳ vọng trong hai quý cuối năm tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện.

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của NHNN mới đây, dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng 14,1% trong năm nay, tăng 0,47% so với mức dự báo 13,6% tại kỳ điều tra trước.

Kiểm soát rủi ro và tập trung xử lý nợ xấu

Theo kết quả điều tra của NHNN, trong quý II, các tổ chức tín dụng cho biết, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng nhẹ, chưa đạt được kỳ vọng giảm nhẹ như kết quả điều tra tại thời điểm quý I. Bên cạnh đó, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tiếp tục tăng trong quý II/2024 và dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong quý III.

Đánh giá tổng thể năm 2024, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục tăng nhẹ, nhưng tốc độ tăng có phần chậm lại nhiều so với năm 2023.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, tín dụng đang dần cải thiện và dù có tăng chậm, ngân hàng cũng không hạ chuẩn cho vay. Tín dụng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống, tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng xu hướng mới như tín dụng xanh.

NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định lãi suất như hiện nay, giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp cần thiết để đảm bảo nguồn vốn cho vay, sẵn sàng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Cùng với đó, NHNN đã đổi mới cơ chế điều hành từ cuối năm 2023 theo hướng chủ động giao chỉ tiêu 15% cho tất cả các tổ chức tín dụng trên cơ sở tính toán khả năng cũng như nhu cầu, điều kiện. 

Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ đánh giá ngân hàng nào tăng trưởng tín dụng không đạt chỉ tiêu chủ động điều chuyển cho ngân hàng có điều kiện, khả năng tăng trưởng tín dụng tốt; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, đảm bảo hiệu lực thi hành Luật từ ngày 1/7.

Đáng lưu ý, Thông tư 06/2024/TT-NHNN, sửa đổi Thông tư 02, kéo dài thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng thêm 6 tháng. Lãnh đạo NHNN cho hay, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế. Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào ngày 31/12/2024. Do đó, đến ngày 31/12/2024, tổ chức tín dụng đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN)…

Ông Phạm Duy Hiếu - Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024 ngân hàng đã thu hồi được 8.000 tỷ đồng nợ xấu. Tính đến hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát dưới 3%.

Tính đến thời điểm hiện nay, nợ tái cơ cấu của ABBank có khoảng 1.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 1% trên tổng dư nợ của Ngân hàng (khoảng 100.000 tỷ đồng). Nền kinh tế hiện đang dần hồi phục và sức hấp thụ vốn trong nửa cuối năm 2024 sẽ cải thiện nên khả năng từ giờ đến cuối năm, khả năng trả nợ của khách hàng cũng sẽ tốt hơn.

Ông Hiếu cũng thông tin thêm, tín dụng của ABBank 5 tháng đầu năm tăng trưởng âm và chỉ mới tăng trưởng nhẹ từ tháng 6. Ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, với các gói tín dụng ưu đãi lãi suất đến khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Hiện các nhà băng đang tích cực triển khai các giải pháp tăng tốc tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN. Theo ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB, qua đánh giá tác động, các doanh nghiệp đang trong diện gia hạn nợ, cơ cấu nợ vẫn còn gặp khó khăn.

Ông Ánh cho rằng, việc gia hạn nợ là cần thiết bởi bối cảnh hiện tại, dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về dòng tiền. Các doanh nghiệp nhờ không bị chuyển nhóm nợ xấu có thể duy trì được các quan hệ tín dụng tốt hơn với các ngân hàng khác nhau. Lãnh đạo MB cũng kỳ vọng đến hết năm nay, nền kinh tế thế giới có chuyển biến tốt, việc triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN không ảnh hưởng đến đến việc quản trị tín dụng cũng như khách hàng của ngân hàng.