Bích Ngọc ·
26 tuần trước
 9943

NHNN dự kiến gia hạn Thông tư 02 đến hết năm nay

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, có nghĩa là sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 (thay vì kết thúc vào ngày 30/6).

Theo NHNN, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của NHNN tại Tờ trình số 53/TTr-NHNN ngày 03/5/2024 cho phép thời hạn thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023, Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ được kéo dài thêm 06 tháng, đến hết ngày 31/12/2024 và giao NHNN khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét, quyết định và hướng dẫn tổ chức tín dụng triển khai thực hiện, bảo đảm tính liên tục của chính sách.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

NHNN cho hay, mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm nay cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024. Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Chính vì thế, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.

Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng (TCTD) phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào 31/12/2024. Do vậy, đến 31/12/2024, TCTD đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp TCTD thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN). 

Trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống. Đồng thời, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến 31/12/2024 cũng sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện cho TCTD thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục áp dụng Thông tư 02/2023 làm cho cho một phần nợ xấu được tạm che giấu nhưng sẽ áp lực lớn về nợ xấu cho hệ thống vì nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) không được thể hiện một cách chính xác. Nhiều người lo ngại khi Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu sẽ gia tăng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro về nợ xấu khi thông tư này hết hiệu lực. Khi đó, nếu các doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp, bên vay và tổ chức tài chính. Vì vậy, ngành ngân hàng nên tập trung xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa. Để giải quyết nợ xấu, có hai vấn đề cần quan tâm là dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và thanh lý tài sản đảm bảo.

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay khi bị trì hoãn ghi nhận nợ xấu thực tế, trong khi kinh tế hiện phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu, điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ hao hụt lợi nhuận.

Các chuyên gia này dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm nay có thể chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2023 (ước tính từ 1,63% lên 1,68%), do dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc xóa nợ xấu và đẩy mạnh trích lập dự phòng. Tuy nhiên các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, các khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán BSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng được cải thiện rõ hơn về nửa sau với xu hướng tiếp tục sử dụng dự phòng (tăng trích lập) để xử lý nợ. Qua đó dự kiến chất lượng tài sản toàn ngành được duy trì ổn định trong 2024 so với 2023, đặc biệt là sau khi quy định về tái cơ cấu nợ trong Thông tư 02 đã được gia hạn đến hết năm.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7811402642252757