Vào đầu tháng 5/2024, Bộ trưởng của các quốc gia thuộc nhóm G7 đã đi đến thỏa thuận chấm dứt sử dụng nhà máy nhiệt điện than đến năm 2035. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn tạo điều kiện cho các quốc gia phụ thuộc mạnh vào than có thêm thời gian thực hiện cam kết.
Thỏa thuận ngừng đốt than để sản xuất điện đã đi đến cam kết chính thức sau nhiều năm trì hoãn.
Sau hai ngày thảo luận tại thành phố Turin, Ý, nhóm 7 cường quốc kinh tế công nghiệp phát triển nhất thế giới cam kết, trong nửa đầu thập kỷ 2030, họ sẽ giảm dần công suất nhiệt điện than trong hệ thống năng lượng hiện có để hạn chế sự gia tăng lượng khí thải toàn cầu. Thông cáo này đánh dấu cột mốc quan trọng về biến đổi khí hậu đối với các quốc gia G7 sau nhiều năm thảo luận nhưng vẫn không thể đạt được thỏa thuận về việc ngừng sử dụng than đá, bao gồm Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Ý, Đức và Nhật Bản.
Bộ trưởng Ý Gilberto Pichetto Fratin, người chủ trì cuộc họp phát biểu: "Đây là lần đầu tiên đặt ra một lộ trình và mục tiêu cụ thể cho việc loại bỏ than đá. Nó là một tín hiệu rất khả quan từ các quốc gia công nghiệp hóa gửi đến thế giới về việc giảm sử dụng than đá."
Thỏa thuận trên vẫn cho phép các quốc gia tiếp tục đốt than để tạo ra điện năng, nhưng với điều kiện là các nước đó phải trang bị công nghệ thu giữ carbon cho các nhà máy nhiệt điện để ngăn chặn khí thải xâm nhập vào khí quyển. Với các quốc gia vẫn còn đang phụ thuộc nhiều vào than đá như Nhật Bản và Đức, thỏa thuận vẫn cho phép phương án tự đưa ra mốc thời gian phù hợp để duy trì giới hạn nhiệt độ tăng 1,5 độ C tối đa so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các chuyên gia cảnh báo đến năm 2040, 6% công suất than trên thế giới phải đóng cửa hằng năm để tránh tình trạng về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, 2 nguồn tiêu thụ năng lượng điện từ than lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.
Để đạt được mục tiêu giữ giới hạn nhiệt độ tăng 1,5 độ C, các chính phủ phải đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than trước năm 2040, trừ khi chúng được trang bị các công nghệ thu giữ carbon hiệu quả. Theo tổ chức nghiên cứu Ember, than đá chiếm 16% hệ thống điện năng của Mỹ. Thỏa thuận của G7 chính thức được công bố chỉ vài ngày sau khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency - EPA) đưa ra quy định mới, yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than phải thu giữ gần như toàn bộ lượng khí phát thải nếu k hông sẽ phải đóng cửa sản xuất trước năm 2040.
Tại Anh, việc sử dụng năng lượng điện từ than dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 9/2024. Nhà máy nhiệt điện than Ratcliffe-on-Soar tại hạt Nottinghamshire chỉ sản xuất 1% tổng sản lượng điện năng của Anh trong năm 2023, dự kiến sẽ đóng cửa trong năm 2024. Ở Canada và Ý, sản lượng điện than chiếm chưa tới 6% tổng sản lượng điện năng. Nhưng tại Nhật, sản lượng điện than chiếm 32% và Đức chiếm 27% so với tổng sản lượng điện năng.
Việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt… có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến môi trường như phát thải khí nhà kính hay cạn kiệt tài nguyên. Đốt nhiên liệu hóa thạch làm thải ra một lượng lớn carbon dioxide (CO2) và các loại khí nhà kính khác vào khí quyển. Những khí này giữ nhiệt và góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính, dẫn đến sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. |