Lan Anh ·
2 năm trước
 2861

Nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhu cầu di chuyển của hành khách bằng đường hàng không sụt giảm đáng kể, trong khi đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng vọt. Cùng với đó, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng. Chính vì thế, Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành quy định vận chuyển hàng hóa trên khoang khách trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, các hãng hàng không của Việt Nam hiện chưa khai thác máy bay chở hàng chuyên dụng (freighter) nên khả năng cung ứng thị trường vận chuyển hàng hóa không đáp ứng nhu cầu.

Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam ban hành quy định này nhằm hướng dẫn các hãng hàng không áp dụng khi vận chuyển hàng hóa trên khoang khách trong hai trường hợp gồm: hàng hóa để trên ghế hoặc tháo một phần/toàn bộ ghế để chất xếp hàng hóa; áp dụng cho cả hai loại máy bay thân rộng và thân hẹp, nếu không có chỉ dẫn khác ở từng mục.

vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không

Cục Hàng không cũng lưu ý, các hãng hàng không chỉ được vận chuyển hàng hóa trên khoang khách nếu được phê chuẩn vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, hướng dẫn này không áp dụng cho máy bay chở khách kết hợp với chở hàng hóa trên khoang khách.

Bên cạnh đó, hãng hàng không nước ngoài khi khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang khách trên lãnh thổ Việt Nam phải chứng minh tuân thủ quy định này với Cục Hàng không Việt Nam. Quy định này không áp dụng với hàng hóa chất xếp trong hầm hàng. 

Theo quy định, phương án vận chuyển hàng hóa trên khoang khách với từng loại máy bay cụ thể phải được hãng hàng không xây dựng chi tiết và được Cục Hàng không phê chuẩn trước khi áp dụng. Trong đó, phải xây dựng quy trình kiểm tra máy bay hàng hóa, đánh giá rủi ro; huấn luyện quy trình cho tổ bay về vận chuyển hàng hóa trên khoang khách, nhấn mạnh những yêu cầu an toàn nghiêm ngặt hơn khi thực hiện các chuyến bay này...

Hãng hàng không không được vận chuyển hành khách trên chuyến bay chở hàng bằng khoang khách. Số lượng nhân viên giám sát cho máy bay thân hẹp tối thiểu 2 người và tối thiểu 3 người cho máy bay thân rộng. Các chuyến bay này phải có tối đa 1 nhân viên của hãng, 1 đại diện chủ hàng hóa và 1 nhân viên của Cục Hàng không...

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VietJet, Bamboo Airways và Vietravel Airlines hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh phân phối vải thiều từ Bắc Giang vào các tỉnh phía Nam. 

Được biết, vào chiều ngày 8/6 chuyến bay VN7217 của hãng hàng không quốc gia đã cất cánh từ Hà Nội đi TP.HCM với hơn 40 tấn vải thiều Bắc Giang. Đây là năm đầu tiên Vietnam Airlines bố trí riêng một siêu máy bay Boeing 787-9 chỉ để chở vải thiều tới tay người tiêu dùng. Đặc biệt, đây cũng lần đầu tiên quả vải được bố trí “ngồi” trên ghế khoang hành khách để tăng tải trọng vận chuyển cùng với việc được chất xếp trong khoang hàng hóa.

Bên cạnh đó, hai hãng hàng không Bamboo Airways, Vietjet Air cũng có những chương trình hỗ trợ vận chuyển vải thiều Bắc Giang. Cụ thể, trong văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Giang mới đây, Bamboo Airways cho biết sẽ giảm 50% giá cước vận chuyển vải thiều.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các địa phương không “ngăn sông, cấm chợ” đối với phương tiện của các tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh lưu thông khi đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định; chỉ đạo các Sở, ban, ngành có phương án ưu tiên lưu thông nhanh chóng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đối với các phương tiện vận chuyển vải thiều từ tỉnh Bắc Giang để kịp thời tiêu thụ sản phẩm. 

Vải thiều Việt Nam sang Australia giá bán hơn nửa triệu đồng/kg

Sau Pháp, lần đầu vải thiều Việt được nhập khẩu chính ngạch sang Hà Lan với tem truy xuất nguồn gốc, giá bán 18 euro/kg (hơn 500.000 đồng).

Lô vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) thuộc lô hàng một tấn vải hạ cánh sân bay Schipol, Hà Lan ngày 17/6 để phân phối cho các siêu thị Á Châu tại Hà Lan, Pháp, Đức. Hai ngày trước đó, sản phẩm mẫu đã được gửi tới các siêu thị Á Châu tại Hà Lan và nhận được phản hồi tích cực từ chủ các siêu thị.

Bên cạnh đó, các trang web bán hàng online của Hà Lan và Pháp cũng đã nhanh chóng nhận các đơn đặt mua vải thiều Việt Nam do Công ty LTP Import Export BV nhập khẩu và phân phối. Dự kiến, vải tươi chính vụ của tỉnh Hải Dương, Bắc Giang sẽ tiếp tục xuất khẩu sang Hà Lan trong 1-2 tuần tới bằng đường hàng không. 

Nguồn