Đinh Hà ·
2 năm trước
 10223

Những chiếc bát đĩa làm từ lá cây thân thiện với môi trường

Một túi nilon phải mất từ 10 đến 20 năm, thậm chí có thể lên đến hàng trăm năm mới có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên và gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề. Trong khi đó, lá cây chỉ mất từ 4 tuần đến 2 tháng để tự phân hủy và biến thành chất hữu cơ có ích cho cây trồng. Nhận thấy sự khác biệt này, để góp phần bảo vệ môi trường, nhiều ý tưởng về sản phẩm đồ đựng thức ăn làm từ lá cây có thể thay thế cho đồ dùng nhựa một lần ra đời.

Một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Đại học Naresuan (Thái Lan) đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất loại bát từ lá cây. Những chiếc bát này có khả năng tự phân huỷ, không thấm nước và có thể thay thế những đồ đựng thức ăn bằng xốp.

Nguyên liệu chính của những chiếc bát đĩa này là lá của 3 loại cây bastard teak, teak và banyan bởi chúng có những đặc điểm tốt nhất để sản xuất bát đĩa đựng thức ăn. Những chiếc bát này có thể đựng được nước nóng mà không bị rò rỉ và chúng có khả năng phân huỷ trong tự nhiên sau khi sử dụng xong. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tinh bột để tạo thêm độ bóng cho những chiếc bát đĩa từ lá cây này.

lá cây

Được biết, các giáo sư trong khoa công nghệ của trường đã dành hơn 1 năm để phát triển thành công quy trình sản xuất này, tạo ra những chiếc bát chắc chắn, hữu dụng từ lá cây để thay thế những đồ đựng thức ăn bằng xốp.

Samorn Hiranpraditsakul - Giáo sư khoa kỹ thuật công nghiệp chia sẻ, sau khi tới thăm một ngôi đền ở phía Bắc Thái Lan và chứng kiến cảnh tượng những bát đĩa xốp với nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được xếp thành những chồng khổng lồ, cô đã nảy ra ý tưởng tạo ra những chiếc bát đĩa làm từ lá cây thân thiện với môi trường này.

Sản phẩm sẽ được giới thiệu đến công chúng trong dịp lễ Songkran vào tháng 4 năm nay với rất nhiều kiểu dáng khác nhau.

Tương tự, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng đã sáng tạo ra nhiều loại chén đĩa đẹp mắt, thân thiện với môi trường từ những chiếc lá bàng và vỏ hộp sữa, an toàn và phù hợp để sử dụng trong đời sống, công nghiệp thực phẩm có thể thay thế cho đĩa nhựa dùng một lần.

Quy trình làm ra sản phẩm khá đơn giản. Lá bàng và vỏ hộp sữa được thu thập rồi đem rửa bằng nước sạch nhằm loại bỏ bụi bẩn, tạp chất. Sau đó, hai nguyên liệu tiếp tục được ngâm vào dung dịch Hydrogen peroxid (H2O2) 3% để khử trùng, rửa lại một lần nữa với nước sạch và sấy khô. Lá bàng được xếp phủ ngoài hộp sữa và sử dụng máy ép gia nhiệt ở các mức nhiệt độ và thời gian khác nhau để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Sản phẩm này được cho là định hình tốt cùng khả năng giữ màu, chịu mốc, sau thời gian bảo quản hơn một tháng.

lá cây

Một nhóm bạn trẻ khác thuộc Dự án "VIBALE – nâng cao giá trị cây chuối (phụ phẩm nông nghiệp) sau thu hoạch” trong Cuộc thi "Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020” đến từ TP Hồ Chí Minh cũng tạo ra các loại hộp, chén, đĩa dùng một lần thay thế cho hộp nhựa từ vỏ chuối và lá chuối với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và khả năng phân hủy sinh học sau 45 ngày.

Nguyễn Diệu Linh, thành viên của nhóm VIBALE cho biết: "Nhóm chọn lá chuối vì chúng có bản to, đủ đáp ứng được kích thước sản phẩm; lành tính với sức khỏe người tiêu dùng. Việt Nam có nhiều vùng trồng chuối, bà con nông dân sau khi thu hoạch quả có thể bán lá và tăng sinh kế."

lá chuối

Với dây chuyền công nghệ hiện đại được chuyển giao, sản phẩm khi được ép khô vẫn giữ nguyên màu sắc của lá chuối, có thể bảo quản trong 12 tháng.

Chia sẻ về ý tưởng làm hộp, khay, đĩa từ lá chuối, Nguyễn Diệu Linh chia sẻ: "Khi đi ngang qua các bãi rác, em nhận thấy số lượng túi nilon, hộp xốp mọi người thải ra rất nhiều. Trong khi những rác thải này mất đến hàng trăm, hàng nghìn năm để phân hủy. Đó là chưa kể đến nguy cơ gây bệnh tật như ung thư.