Thanh Tâm ·
1 năm trước
 6800

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 4/2023

Trong tháng 4/2023, một số chính sách mới như hướng dẫn việc làm trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, kiểm định chất lượng đầu vào công chức, đấu thầu thuốc có hiệu lực.

Thi tuyển công chức, đạt kiểm định đầu vào được miễn thi vòng 1

Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ 10/4/2023.

Theo Nghị định trên, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển. Kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền; được tổ chức định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.

Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.

Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.

Kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Bổ sung COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội

Bộ Y tế ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 9/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, Thông tư số 02/2023/TT-BYT bổ sung thêm một bệnh nghề nghiệp (bệnh COVID-19) vào Điều 3 Thông tư số 15/2016/TT-BYT - Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chẩn đoán, giám định (danh sách trong Điều 3 này có 34 bệnh, tăng lên thành 35 bệnh). Bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Thông tư số 02/2023/TT-BYT sửa đổi Điều 3 Thông tư số 15/2016/TT-BYT - Nguyên tắc chẩn đoán, điều trị, dự phòng đối với người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp thành Điều 3a; bổ sung Phụ lục 35 (hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp) và Phụ lục 36 (biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2) ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư số 02/2023/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2023.

Quy định mới về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập

Thông tư 06/2023/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 27/4/2023.

Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi khoản 2 Điều 8 về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị. Theo đó, gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị có thể có một hoặc nhiều thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc, hoặc sinh phẩm tham chiếu, mỗi thuốc là một phần của gói thầu.

Hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/2/2023 về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2023.

Theo đó, Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc các bộ, ngành và địa phương.

Ảnh minh họa.

Đối tượng áp dụng: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm cấp cứu 115; Cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; Cơ sở pháp y, pháp y tâm thần, giám định y khoa; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư này không áp dụng đối với: Các đơn vị nghiên cứu lĩnh vực y tế và các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc bộ, ngành khác; trong việc giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Các cơ sở y tế thuộc bộ, ngành khác và cơ sở y tế ngoài công lập có thể căn cứ hướng dẫn tại Thông tư để áp dụng thực hiện cho phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, Thông tư sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 14 về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Cụ thể, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị tham khảo các thông tin tài liệu về giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu, báo giá hoặc hóa đơn bán hàng... để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền.

Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa

Thông tư 02/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.

Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), cụ thể như sau:

a) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa chính được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

b) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

c) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức tuyên truyền viên văn hóa thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:

a) Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp:

Viên chức có trình độ đào tạo trung cấp khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 1, hệ số lương 1,86, ngạch viên chức loại B;

Viên chức có trình độ đào tạo cao đẳng trở lên khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06, ngạch viên chức loại B.

b) Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa:

Viên chức có trình độ đào tạo đại học khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, ngạch viên chức loại A1;

Viên chức có trình độ đào tạo thạc sỹ khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, ngạch viên chức loại A1;

Viên chức có trình độ đào tạo tiến sỹ khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00, ngạch viên chức loại A1.

Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TTBNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2007/TT-BNV).

Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Thông tư 11/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2023, trong đó quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Cụ thể, Thông tư quy định, ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi: Trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

NHNN công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của NHNN.

Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.

Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

Quy định mới về điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng

Thông tư 02/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng có hiệu lực từ ngày 20/4/2023.

Trong đó, Thông tư quy định việc điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng. Theo đó, việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP.

Khi điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hợp đồng thì phải ký kết phụ lục hợp đồng làm cơ sở điều chỉnh giá hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt hoặc trình phê duyệt dự toán điều chỉnh, phát sinh theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và hợp đồng xây dựng làm cơ sở ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng.

Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này. Việc áp dụng các phương pháp điều chỉnh giá phải phù hợp với tính chất công việc, loại giá hợp đồng, đồng tiền thanh toán và phải được thỏa thuận trong hợp đồng.

Đối với hợp đồng tư vấn xây dựng thực hiện thanh toán theo thời gian (theo tháng, tuần, ngày, giờ) thì việc điều chỉnh mức tiền lương cho chuyên gia thực hiện theo công thức điều chỉnh cho một yếu tố chi phí nhân công tại mục I Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

Điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng xây dựng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Bên giao thầu và Bên nhận thầu có trách nhiệm đánh giá tác động của các sự kiện bất khả kháng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng để xác định, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.

Trường hợp tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP cần thực hiện các công việc sau:

a) Bên giao thầu, Bên nhận thầu căn cứ yêu cầu tạm dừng của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đánh giá tác động đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng làm cơ sở xác định, thỏa thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng.

b) Trường hợp phát sinh chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng thì Bên giao thầu, Bên nhận thầu căn cứ nội dung hợp đồng, hướng dẫn của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự kiện dẫn đến tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng làm cơ sở xác định, thỏa thuận về các khoản mục chi phí phát sinh hợp lý.